Bộ trưởng Thăng: Không để khách chậm về quê đón Tết vì thiếu xe

Các đơn vị trong ngành giao thông vận tải phải xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải đảm bảo không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển.
Bộ trưởng Thăng: Không để khách chậm về quê đón Tết vì thiếu xe ảnh 1Các đơn vị vận tải xây dựng kế hoạch vận tải để phục vụ người dân đi lại dịp Tết. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có yêu cầu như vậy đối với các đơn vị trong ngành giao thông vận tải về việc chuẩn bị phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân Bính Thân 2016.

Tại văn bản số 15903/BGTVT-VT của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục quản lý chuyên ngành, các Sở Giao thông Vận tải, các Tổng công ty và các đơn vị trong toàn ngành giao thông vận tải thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, phối hợp giữa các lực lượng vận tải, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý phương tiện vận tải, cảng hàng không, nhà ga đường sắt, bến xe, cảng, bến thủy nội địa, quản lý người điều khiển phương tiện nhằm bảo đảm kịp thời giải quyết hoặc tham mưu để xử lý các tình huống phát sinh.

Các đơn vị xây dựng kế hoạch phục vụ vận tải đảm bảo đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải phát sinh tăng cao, đặc biệt tại các đầu mối giao thông, bảo đảm giải tỏa hành khách và hạn chế tối thiểu ùn tắc giao thông trong đó tập trung chủ yếu bố trí phương tiện; tăng cường, bổ sung hoặc điều chuyển phương tiện khi có nhu cầu, bố trí lái tàu, lái xe, phi công, nhân viên phục vụ; kiếm tra các điều kiện an toàn vận tải; bảo đảm cho cán bộ, nhân dân, học sinh, sinh viên đi lại được thuận tiện, an toàn; không để hành khách chậm về quê đón Tết do không có phương tiện vận chuyển.

Đối với công tác quản lý phương tiện, người điều khiển, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của đội ngũ lái xe, lái tàu, nhân viên phục vụ nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông; đặc biệt tăng cưòng kiểm tra, giám sát về hành trình, tốc độ vận hành của phương tiện đường bộ, ngăn chặn tình trạng sử dụng rượu, bia, chạy quá tốc độ quy định khi tham gia giao thông.

Về quản lý kết cấu hạ tầng, người đứng đầu ngành giao thông chỉ đạo kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo giao thông, các đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông; tổ chức điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc; các đơn vị thi công hoàn trả mặt đường, bảo đảm phương tiện lưu thôn an toàn, không gây ùn tắ giao thông do việc thi công; các vị trí tiềm ẩn mất an toàn giao thông để có biện pháp cảnh báo hoặc khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố.

Các đơn vị vận tải chấp hành nghiêm các quy định về quản lý giá cước vận tải; Sở Giao thông vận tải phối hợp Sở Tài chính và ủy ban nhân dân cấp quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước trên phương tiện và việc thu giá cước theo đúng giá niêm yết, có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng lượng hành khách tăng để tăng giá ở mức cao mà không thực hiện việc kê khai niêm yết.

Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong chủ động phối hợp với Sở Tài chính và Công an tỉnh, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra công tác phục vụ vận tải, kiểm tra giá cước, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Bính Thân năm 2016.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục quản lý chuyên ngành theo chức năng nhiệm vụ được phân công xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện phục vụ vận tải, kiểm ra việc kê khai giá cước, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo lĩnh vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục