Bộ Tư pháp được cơ cấu gồm 27 đơn vị trực thuộc

Theo Nghị định số 22/2013/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành ngày 13/3, Bộ Tư pháp sẽ được cơ cấu bao gồm 27 đơn vị trực thuộc.
Ngày 13/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 22/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Theo Nghị định, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật; quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, hành chính tư pháp, hỗ trợ tư pháp, bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính và thi hành án và các công tác tư pháp khác trong phạm vi cả nước; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ Tư pháp thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18/4/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và các nhiệm vụ, quyền hạn khác như trình Chính phủ dự án, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ theo chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật hàng năm đã được phê duyệt và các dự án, đề án khác theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc ký kết, phê chuẩn, phê duyệt hoặc gia nhập và biện pháp bảo đảm thực hiện điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chỉnh phủ về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Bộ Tư pháp có quyền thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc đề xuất, thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn có quyền về: theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật; phát điển hệ thống quy phạm pháp luật; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; hành chính tư pháp…

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp gồm 27 Vụ, Cục, Văn phòng, Trung tâm, Viện, Học viện, Tạp chí và Báo; trong đó các tổ chức quy định từ Khoản 1 đến khoản 22 Điều 3 của Nghị định là các tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/5/2013; thay thế Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đồng thời bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục