Bolivia: Đảng MAS thúc đẩy tổng tuyển cử giải quyết khủng hoảng

Tân Chủ tịch Hạ viện khẳng định việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới, tiến trình dự kiến kéo dài 3 tháng, là điều nhân dân Bolivia mong muốn để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay.
Bolivia: Đảng MAS thúc đẩy tổng tuyển cử giải quyết khủng hoảng ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp của Quốc hội Bolivia ở La Paz ngày 12/11/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 16/11, đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) của cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales, đang chiếm đa số tuyệt đối tại cả thượng viện lẫn hạ viện Bolivia, đã triệu tập một phiên họp quốc hội khẩn cấp để thảo luận về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới, sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 20/10 đẩy quốc gia Nam Mỹ này vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, trong một cuộc họp báo chung, Chủ tịch Thượng viện Eva Copa và Chủ tịch Hạ viện Sergio Choque, đều thuộc MAS và đều mới được bầu tuần này sau khi 2 người tiền nhiệm từ chức, cùng thông báo về lệnh triệu tập phiên họp lưỡng viện, đồng thời kêu gọi tái thiết hòa bình tại Bolivia sau khi số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình từ cuối tháng 10 vừa qua đã lên tới gần 20 người và khoảng 500 người khác bị thương.

Tân Chủ tịch Hạ viện Sergio Choque khẳng định việc tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới, tiến trình dự kiến kéo dài 3 tháng, là điều nhân dân Bolivia mong muốn để thoát khỏi tình trạng khủng hoảng hiện tại, đồng thời nhận định hành động ngăn chặn người biểu tình của các lực lượng an ninh vừa qua là “vô nhân đạo."

Trong khi đó, Chủ tịch Thượng viện Eva Copa tuyên bố sẽ có cuộc gặp chính thức với Tổng chưởng lý nhà nước Juan Lanchipa để được báo cáo về các “nhóm lật đổ” như lời tố cáo của chính phủ lâm thời do phe đối lập kiểm soát.

Bất chấp MAS kiểm soát đa số 2/3 số nghị sỹ tại cả lưỡng viện, Tổng thống lâm thời Jeanine Anez cảnh báo các cuộc họp trên sẽ không có hiệu lực do không đủ số lượng quy định (2/3) vì vắng mặt đại diện của đa số phe đối lập.

[Bolivia: Cựu Tổng thống Morales có thể không tham gia bầu cử]

Trước đó, chính bà Anez đã tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời Bolivia trong một phiên họp thượng viện còn vắng nhiều nghị sỹ hơn khi toàn bộ thành viên của MAS không tham dự.

Cùng ngày, cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales đã kêu gọi các luật sư và chuyên gia về nhân quyền bảo vệ người dân Bolivia trước các hành động ngăn chặn người biểu tình của chính quyền lâm thời nước này, sau khi ông buộc phải từ chức trước sức ép của quân đội, cảnh sát và các cuộc biểu tình bạo động của phe đối lập cách đây một tuần.

Trong một thông điệp trên mạng xã hội Twitter, ông Morales nhấn mạnh "sự tôn trọng, tình hữu nghị và đoàn kết giữa những người anh em Bolivia" cần phải được đặt trên hành động bạo lực của những người đang tìm cách kích động hận thù, đối đầu và đàn áp chống lại tầng lớp những người nghèo khổ nhất trong xã hội.

Cựu Tổng thống Bolivia cũng nhắc lại đề nghị đối thoại ở cấp cao nhất với sự trung gian của các nước có trách nhiệm để đem lại hòa bình cho đất nước, bảo vệ tính mạng của người dân và nền dân chủ.

Ông Morales khẳng định sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội và sẽ trở lại mạnh mẽ hơn. Cho tới nay, Quốc hội Bolivia vẫn chưa có quyết định về đơn từ chức của ông Evo Morales, người đang tị nạn tại Mexico.

Sau khi ông Morales buộc phải từ chức cách đây một tuần, các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ lâm thời lên nắm quyền một cách vi hiến vẫn tiếp diễn tại nhiều địa phương của Bolivia.

Các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ MAS và cựu Tổng thống Morales với cảnh sát và quân đội trong những ngày qua đã khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và hàng trăm người bị bắt giữ.

Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, bà Michelle Bachelet đã lên tiếng cảnh báo về tình hình khủng hoảng tại Bolivia, gọi việc cảnh sát sử dụng vũ lực quá mức là "một diễn biến vô cùng nguy hiểm" và có thể khiến tình hình mất kiểm soát.

Bà Michelle Bachelet bày tỏ quan ngại tình hình tại Bolivia có thể mất kiểm soát nếu giới chức nước này không giải quyết một cách thận trọng, phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế trong việc sử dụng vũ lực, cũng như tôn trọng đầy đủ quyền con người.

Bà Bachelet nhấn mạnh đất nước Bolivia đang bị chia rẽ trong khi người dân ủng hộ cựu Tổng thống Morales và những người ủng hộ chính quyền lâm thời đang vô cùng "tức giận."

Do đó, với tình hình này, những hành động gây sức ép của chính quyền sẽ chỉ làm gia tăng cơn thịnh nộ trong dân chúng và có thể làm phức tạp mọi tiến trình đối thoại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục