'Bòn ơi' - những phụ nữ Khmer học theo Bác để thoát nghèo

"Bòn ơi" là cách gọi nhau của phụ nữ dân tộc Khmer thuộc Tổ nhân dân tự quản số 9, Khu phố 3, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, để cùng nhau lao động sản xuất thoát nghèo.
Bà Phạm Thị Hậu (phải) hướng dẫn cho hộ chị Thị Xinh cách trồng rau màu. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)
Bà Phạm Thị Hậu (phải) hướng dẫn cho hộ chị Thị Xinh cách trồng rau màu. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

"Bòn ơi" là cách gọi nhau của phụ nữ dân tộc Khmer thuộc Tổ nhân dân tự quản số 9, Khu phố 3, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, để cùng nhau lao động sản xuất thoát nghèo. Bòn trong tiếng dân tộc Khmer có nghĩa là bạn.

Để có được cuộc sống ấm no như ngày hôm nay, công đầu thuộc về bà Phạm Thị Hậu, Tổ trưởng Phụ nữ Tổ 9, Khu phố 3 kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khmer thoát nghèo.

Tổ 9, Khu phố 3, có trên 40% số hộ là đồng bào dân tộc Khmer, đời sống khó khăn do ruộng đất ít, lại đông con. Năm 2013, bà Phạm Thị Hậu đứng ra thành lập Câu lạc bộ Khmer thoát nghèo.

Khi mới thành lập, Câu lạc bộ có 20 thành viên. Với hình thức góp vốn xoay vòng, mỗi tháng, mỗi thành viên đóng góp 100.000 đồng để giúp một người. Với số tiền 2 triệu đồng được Câu lạc bộ hỗ trợ, người thì mua lưới giăng bắt cá bán, người nuôi cá, nuôi lợn, trồng màu…

Thấy đây là cách hỗ trợ thiết thực, năm 2015, bà Hậu tiếp tục đề xuất với Hội Phụ nữ thị trấn Thứ Ba để đứng ra bảo lãnh cho chị em được tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.

Trung bình mỗi chị được vay từ 10-15 triệu đồng, sau này là 20 triệu đồng. Từ số tiền này, chị em tiếp tục đầu tư mua xuồng, lưới, trồng trọt, chăn nuôi, mua tàu dừa về làm nguyên liệu bó chổi…

[Về nơi dòng vốn nồng đậm tình người tỉnh Hậu Giang]

Dần dần chị em bắt đầu thoát nghèo, trả được vốn vay ngân hàng, cất nhà mới, lo cho các con được đến trường. Bà Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Thứ Ba cho biết, trong Câu lạc bộ 100% chị em đều là dân tộc Khmer.

Vì vậy, khi mới thành lập cũng gặp không ít khó khăn, nhưng khi vào Câu lạc bộ, tham gia các buổi sinh hoạt, chị em dần hiểu biết nhiều hơn. Là Tổ trưởng Tổ Phụ nữ, vừa là Chủ nhiệm câu lạc bộ, bà Phạm Thị Hậu thấy được những khó khăn đó và đã nhiệt tình hỗ trợ, tạo điều kiện để chị em vươn lên thoát nghèo.

Qua thời gian hoạt động có hiệu quả nên nhiều chị em muốn tham gia Câu lạc bộ, đến nay số thành viên câu lạc bộ đã tăng lên 30 người. Từ khi thành lập đến nay, tất cả thành viên trong câu lạc bộ đã tiếp cận được các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng số tiền trên 700 triệu đồng để xây dựng nhiều mô hình thiết thực, phát triển kinh tế gia đình.

Hiện đã có 10 chị xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, bình quân thu nhập 30 triệu đồng/năm; có 10 chị làm nghề bó chổi với thu nhập ổn định từ 10 triệu đồng/năm; 10 chị giăng lưới cá thu nhập 20 triệu đồng/năm.

Chị Thị Xinh, thành viên câu lạc bộ chia sẻ trước đây đi làm thuê hàng ngày chỉ đủ ăn. Từ khi tham gia câu lạc bộ, được tiếp cận nguồn vốn, được chị em hướng dẫn cách thức làm ăn nên giờ gia đình chị đã thoát nghèo.

Gia đình chị đã xây được nhà với chi phí hơn 100 triệu đồng, các con được học hành đầy đủ. Bên cạnh việc giúp chị em tiếp cận nguồn vốn, bà Phạm Thị Hậu còn tạo điều kiện cho 22 chị tham gia lớp tập huấn nuôi cá nước ngọt ngắn hạn; đã có 4 chị được chọn để hỗ trợ mùng lưới nuôi cá và 1.000 con cá giống.

Bà Thị Bích Tuyền, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Thứ Ba, cho biết với hiệu quả từ mô mình Câu lạc bộ mang lại, năm 2018 bà Hậu đã cùng với tập thể Câu lạc bộ hỗ trợ 10 chị vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn khu phố 3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục