Bốn tàu cá bị chìm và một người mất tích trong cơn bão số 1

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, thiệt hại ban đầu tính đến 6 giờ ngày 28/7, cơn bão số 1 đã làm 4 tàu cá bị chìm, một người mất tích.
Bốn tàu cá bị chìm và một người mất tích trong cơn bão số 1 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương, tình hình thiệt hại ban đầu tính đến 6 giờ ngày 28/7, cơn bão số 1 đã làm 4 tàu cá bị chìm, một người mất tích.

Cụ thể, về tàu thuyền,  ở Nam Định 3 tàu cá với 10 lao động khi tránh trú bão tại cửa sông Sò bị sóng to đánh chìm. Đồn biên phòng Quất Lâm đã cử 6 cán bộ chiến sỹ, 2 phương tiện cứu nạn đưa người trên phương tiện vào bờ an toàn.

Ở Thanh Hóa, 1 tàu cá TH90298TS bị chết máy và chìm cách đảo hòn Mê 3,5 hải lý về phía Nam (5/6 thuyền viên trên tàu đã được tàu TH90817TS đi cùng cứu vớt đưa vào bờ an toàn).

Còn một người bị mất tích là anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1985 ở Quảng Tiến, Sầm Sơn, Thanh Hóa, thuyền viên trên tàu TH 90298TS.

Ghi nhận những thiệt hại ban đầu, báo cáo cũng chỉ rõ, diện tích lúa bị ngập là khoảng 110.100 ha. Trong số đó, Ninh Bình bị ngập 36.000 ha; Nam Định bị ngập 74.100 ha.

Bốn tàu cá bị chìm và một người mất tích trong cơn bão số 1 ảnh 2Gặt lúa bị ngập nước ở Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Tại cuộc họp Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra sáng nay (28/7), ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, khó khăn nhất hiện nay là nhiều địa phương diện tích lúa chưa kịp thu hoạch và mới cấy bị ngập úng do mưa lớn, nhưng hiện lại không có điện để tiêu úng.

Về thiệt hại khác ở các địa phương như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình đang mất điện trên diện rộng từ đêm 27/7 do số lượng cột điện trung thế đổ rất nhiều, một số trạm điện trung thế gặp sự cố về lưới điện. Tập đoàn điện lực đang tập trung khắc phục sự cố nhưng về thời gian khắc phục xong thì chưa có ý kiến phản hồi.

Kết luận cuộc họp, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Cao Đức Phát yêu cầu, các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến mưa do hoàn lưu bão gây ra. Đồng thời các địa phương cần khẩn trương thống kê thiệt hại sau bão để có biện pháp hỗ trợ, đặc biệt phối hợp với ngành điện tổ chức tiêu úng diện tích lúa hoa màu ngập úng.

“Mưa sau hoàn lưu bão sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các địa phương ở Trung du và miền núi phía Bắc, vì vậy các địa phương phải đề phòng sạt lở đất, lũ quét, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, tiếp tục xả bớt nước đảm bảo an toàn hồ chứa và tính mạng người dân vùng hạ du,” Trưởng ban chỉ đạo Cao Đức Phát nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục