Brazil đối mặt với viễn cảnh đen tối trước thảm kịch COVID-19

Tổng thống Brazil vừa thay đổi một loạt vị trí then chốt trong nội các như chánh văn phòng nội các, thư ký chính phủ, các bộ trưởng ngoại giao, tư pháp, công an, quốc phòng và tổng chưởng lý.
Brazil đối mặt với viễn cảnh đen tối trước thảm kịch COVID-19 ảnh 1Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng Brasil de fato, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vừa thay đổi một loạt vị trí then chốt trong nội các như chánh văn phòng nội các, thư ký chính phủ, các bộ trưởng ngoại giao, tư pháp, công an, quốc phòng và tổng chưởng lý; trong đó một nửa là hoán đổi vị trí cho nhau.

Đáng chú ý là vị trí ngoại trưởng dành cho ông Carlos Franca, một nhân vật ít tên tuổi, chủ yếu được biết đến là một người cuồng tín và cực đoan như người tiền nhiệm Ernesto Araujo - người được cho là bị Quốc hội ép phải từ chức.

Có lẽ, sự thay đổi nhạy cảm nhất vào thời điểm này là cuộc "thay máu" tại Bộ Quốc phòng. Ngay sau khi Bộ trưởng Fernando Azevedo từ chức, cả ba tư lệnh của 3 binh chủng cũng làm điều tương tự.

Trước đó, trong thư ngỏ từ biệt, Tướng Fernando Azevedo cho biết quyết định này xuất phát từ mong muốn duy trì tối đa tính tự chủ của các lực lượng vũ trang, đồng thời ông cho rằng đây là những thể chế của Nhà nước Brazil, chứ không phải lực lượng hỗ trợ cho một thế lực đang cầm quyền.

Tổng thống Bolsonaro đã bổ nhiệm Chánh Văn phòng Nội các Braga Neto làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Rõ ràng, Tướng Azevedo đã phản đối một chiến dịch theo mong muốn của ông Bolsonaro, bao gồm việc ban bố tình trạng giới nghiêm toàn quốc mà theo đó can thiệp vào quyền tự quyết của các chính quyền cấp bang, buộc nhiều thống đốc phải hủy bỏ các biện pháp cách ly mà họ đã ban hành như cơ chế cần thiết để ngăn chặn đại dịch.

[Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro thay người đứng đầu hàng loạt bộ]

Vị tổng thống này luôn phản đối mạnh mẽ các biện pháp giãn cách xã hội vì tác động của chúng đối với nền kinh tế địa phương. Quyết định từ chức của Bộ trưởng Quốc phòng Azevedo cũng là một tín hiệu để thăm dò xem liệu các lực lượng vũ trang có ủng hộ vô điều kiện một chính phủ luôn bị ám ảnh bởi các “đối thủ mạnh” trong trí tưởng tượng hay không.

Hơn nữa, trong những ngày này, Tổng thống Bolsonaro cho rằng mình sẽ nhận được sự ủng hộ của giới lãnh đạo quân đội khi dự định tổ chức kỷ niệm ngày diễn ra cuộc đảo chính quân sự 1/4/1964, lật đổ chính quyền dân chủ của João Goulart và dựng nên chế độ quân sự tàn bạo suốt hơn 2 thập kỷ.

Chính vì thế, việc các Tư lệnh từ chức đã tái định hình lại cuộc tranh luận về một âm mưu “tự đảo chính” bên trong Chính phủ, với mục đích trao cho hệ thống hành pháp những quyền ngoại lệ để có thể tùy ý hành cộng, trong một khung cảnh chính trị phức tạp, bị đánh dấu bằng thảm kịch COVID-19, sự sụp đổ của hệ thống y tế, tình trạng trì trệ kinh tế, thất nghiệp tràn lan và tỷ lệ nghèo đói gia tăng.

Tuy nhiên, thay vì một động thái đảo chính được các tư lệnh quân đội ủng hộ, ông Bolsonaro chỉ nhận được sự xa lánh ngày càng lớn của giới lãnh đạo quân sự, làm thất bại ý đồ của nhóm cố vấn của ông muốn gia tăng sức ép lên các lực lượng vũ trang để có thể đưa ra quan điểm cứng rắn hơn trước Quốc hội, các thống đốc, thị trưởng, giới tư pháp, đặc biệt là Tòa án Tối cao liên bang.

Với những diễn biến vừa qua và trong tình thế hiện nay, rất khó để các lực lượng vũ trang tham gia vào một cuộc phiêu lưu liều lĩnh như một cuộc “tự đảo chính.” Đây rõ ràng là một trong những thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử Brazil, khi mà hầu hết cộng đồng khoa học và các tổ chức đa phương, bao gồm cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đều nhìn nhận quốc gia lớn nhất Nam Mỹ này là ổ chứa virus Corona lớn nhất thế giới.

Brazil đã bị cộng đồng quốc tế “hắt hủi,” không chỉ bởi việc không có ý chí chiến đấu chống đại dịch, mà còn bởi những chính sách dẫn tới hủy hoại sinh thái, vi phạm nhân quyền của các cộng đồng thổ dân, da màu và giới tính thứ 3, cũng như sự thờ ơ đối với các vụ tham nhũng - tệ nạn gia tăng mạnh trong 2 năm qua.

Brazil đối mặt với viễn cảnh đen tối trước thảm kịch COVID-19 ảnh 2Chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cho dù chính quyền của ông Bolsonaro đã sử dụng một tỷ lệ GDP đáng kể để cải thiện cơ sở hạ tầng và điều kiện lương bổng cho các đơn vị lực lượng vũ trang nhưng điều đó là chưa đủ để giành được sự ủng hộ vô điều kiện của giới lãnh đạo quân sự cho cách điều hành thảm họa của Chính phủ, thậm chí nó còn làm dấy lên sự phản đối ngày càng gay gắt của nhiều bộ phận trong quân đội. Vốn tự coi mình có vai trò “cứu nguy dân tộc.”

Các lực lượng vũ trang đã có những nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ tình trạng chết chóc và cuộc khủng hoảng nhân đạo trong nước, va chạm trực tiếp với “tư tưởng trọng kinh doanh và coi thường dịch bệnh của Tổng thống Bolsonaro cũng như đội ngũ cố vấn thân cận của ông.”

Về phần mình, một Quốc hội do một nhóm những đảng phái thực dụng kiểm soát cuối cùng cũng đã lên án sự sụp đổ của hệ thống y tế Brazil, vì điều này đe dọa hy vọng tái cử của nhiều nghị sỹ. Việc tiến hành luận tội tổng thống - một điều cách đây 2 tháng là không thể - nay rất có thể xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang khiến Brazil ngày càng trở nên tồi tệ và hỗn loạn.

Với hơn 310.000 người chết và khoảng 13 triệu người nhiễm COVID-19, thảm kịch của người dân Brazil dường như không có hồi kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục