Brexit: Anh cam kết ủng hộ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với EU

Anh khẳng định vẫn tiếp tục ủng hộ quá trình thúc đẩy hội nhập quân sự và hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn của EU ngay cả khi không còn là thành viên của khối này.
Brexit: Anh cam kết ủng hộ thúc đẩy hợp tác quốc phòng với EU ảnh 1Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Bất chấp những căng thẳng trong quan hệ giữa hai bên liên quan đến sự bế tắc trong đàm phán về việc đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit, Anh khẳng định vẫn tiếp tục ủng hộ quá trình thúc đẩy hội nhập quân sự và hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn của EU ngay cả khi không còn là thành viên của khối này.

Theo phóng viên TTXVN tại Anh, cam kết trên được Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đưa ra trong bối cảnh 23 ngoại trưởng các nước EU (trong đó không có Anh) đã cùng ký Thỏa thuận Hợp tác Cấu trúc thường trực về quốc phòng (PESCO) trong ngày 13/11 khẳng định quyết tâm cùng hợp tác phát triển năng lực quốc phòng, đầu tư vào các dự án chung, và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang trong khối.

Phát biểu trong cuộc gặp với các ngoại trưởng EU ngày 13/11, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cam kết nước Anh sẽ nghiên cứu những kế hoạch mới của châu Âu về hợp tác quốc phòng và an ninh, và sẽ ủng hộ mạnh mẽ nếu thấy những ý tưởng này “có nhiều triển vọng hứa hẹn.”


[Quốc hội Anh sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận cuối cùng về Brexit]

Tuyên bố này của ông Johnson có thể xem là sự thay đổi quan điểm khá bất ngờ của nước Anh vốn từ trước đến nay vẫn phản đối ý tưởng về một mô hình hợp tác quốc phòng riêng của châu Âu.

Sự biến chuyển chỉ diễn ra sau khi Anh nhận thấy cơ chế mới sẽ không cạnh tranh với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thông qua việc thành lập một quân đội EU riêng.

Đức và Pháp được cho là hai nước chủ chốt thúc đẩy PESCO, trong đó Pháp có quan điểm muốn khởi động sáng kiến này ở quy mô nhỏ hơn với một nhóm những nước thực sự sẵn sàng can thiệp quân sự vào những vùng xung đột.

Tuy nhiên, những sáng kiến của Đức với các dự án ít tham vọng hơn, như thành lập một bệnh viện dã chiến được nhiều nước sử dụng chung, lại giành được sự ủng hộ của đa số. Anh được cho là có thể tham gia một số trong tổng số 50 dự án đang được thảo luận nếu xét thấy những dự án này có lợi ích "với toàn thể EU."

PESCO, khuôn khổ pháp lý cho các cam kết và đầu tư chung về quân sự và quốc phòng, là một phần trong Hiệp ước Lisbon của EU, nhưng chỉ đến thời điểm hiện tại mới bắt đầu được triển khai. Ủy ban châu Âu đã gọi thỏa thuận này là “công chúa ngủ trong rừng” của Hiệp ước Lisbon.

Quan chức phụ trách đối ngoại của EU bà Federica Mogherini mô tả việc ra thông báo chính thức về PESCO là “thời khắc lịch sử về quốc phòng của châu Âu,” đánh dấu việc “vấn đề cấm kỵ” trong nhiều năm qua về chính sách quốc phòng chung của châu Âu cuối cùng cũng được phá bỏ sau những biến động như Brexit.

Trong khuôn khổ của PESCO, các nước EU sẽ cam kết tăng chi tiêu quân sự, nhưng sẽ không hoàn toàn giống như kế hoạch của NATO về việc tăng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục