Reuters/AFP/Đài BBC đưa tin ngày 20/8, Liên minh châu Âu (EU) đã khước từ yêu cầu của Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng EU cần xem xét lại thỏa thuận “ly hôn” Brexit.
Theo lời EU, Anh đã không đề xuất được bất kỳ giải pháp thay thế mang tính thực tế nào cho chính sách đảm bảo duy trì đường biên giới ở Ireland.
Sau hơn 3 năm diễn ra cuộc khủng hoảng Brexit, Vương quốc Anh đang tiến gần tới cuộc đối đầu với EU trong lúc ông Johnson cam kết Anh sẽ ra đi vào ngày 31/10 mà không có thỏa thuận, trừ phi EU đồng ý đàm phán lại về các điều khoản “ly hôn.”
Trong nỗ lực đầu tiên nhằm “lay động” EU, trước thềm các cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Johnson đã viết bức thư dài 4 trang gửi tới Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk để yêu cầu xóa bỏ “chốt chặn cuối” biên giới Ireland.
[Thủ tướng Anh Boris Johnson cảm thấy lạc quan hơn về Brexit]
Ông nhấn mạnh rằng Anh không thể chấp nhận cái mà ông gọi là chốt chặn cuối “phi dân chủ,” một cơ chế nhằm tránh thiết lập các trạm kiểm soát biên giới giữa Ireland (thành viên của EU) và Bắc Ireland (thuộc Vương quốc Anh).
Ông cũng cảnh báo rằng nó có nguy cơ “làm suy yếu sự cân bằng tế nhị” của thỏa thuận hoà bình vì các đảng phái chính trị như Liên hiệp Dân chủ Bắc Ireland (DUP) rất không hài lòng với điều đó.
Thủ tướng kêu gọi “các giải pháp linh hoạt và sáng tạo” và “các thỏa thuận thay thế” dựa trên công nghệ để tránh đường biên giới cứng.
Ông nói rằng chốt chặn cuối nên được thay thế bằng một cam kết để tìm ra các giải pháp thay thế trước khi kết thúc giai đoạn chuyển tiếp, hiện tại là cuối năm 2020 theo thỏa thuận của bà May.
Kể từ khi nhận nhiệm sở vào tháng 7/2019, ông Johnson đã khăng khăng rằng Anh sẽ rời EU vào ngày 31/10 dù bất kể điều gì xảy ra và tăng cường chuẩn bị cho sự ra đi “không thỏa thuận” mà có nguy cơ gây ra các cản trở kinh tế lớn.
Tuy nhiên Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU chịu trách nhiệm đàm phán về Brexit với London, đã bác bỏ đề xuất trong bức thư của ông Johnson rằng chốt chặn cuối có thể được thay thế bằng “một cam kết” để tìm ra “các giải pháp thay thế.”
Người phát ngôn EC Natasha Bertaud nói: “Bức thư này không đưa ra được giải pháp hợp pháp để ngăn chặn sự trở lại của một đường biên giới cứng trên đảo Ireland. Nó không nêu ra được các giải pháp thay thế là gì, và trên thực tế nó thừa nhận rằng không có gì đảm bảo các giải pháp đó sẽ được thực thi trước khi kết thúc quá trình chuyển tiếp."
Chính phủ Anh đã phản ứng và nói rằng thỏa thuận ra đi được nhất trí năm 2018, trong đó bao gồm điều khoản chốt chặn cuối, là “không khả thi” và bị các nghị sĩ Anh phủ quyết tới 3 lần.
Người phát ngôn của chính phủ Anh nói: “Trừ phi thỏa thuận ra đi được xem xét lại và chốt chặn cuối bị xóa bỏ, thì sẽ không thể có triển vọng hai bên đạt được thỏa thuận nào."
Trong một động thái nhằm bày tỏ ý định nghiêm túc của Anh trong việc rời khỏi EU vào ngày 31/10, chính phủ Anh tuyên bố rằng các quan chức nước này sẽ không tham dự hầu hết các cuộc họp của EU từ ngày 1/9.
Bộ Brexit của Anh thông báo rằng các quan chức sẽ chỉ tham dự các cuộc họp về “vấn đề lợi ích quốc gia” như an ninh, và rằng họ sẽ tiết kiệm thời gian để tập trung cho các “ưu tiên quốc gia” khác.
Trong khi đó, Brussels khẳng định rằng chốt chặn cuối - theo đó buộc Anh ở lại liên minh thuế quan EU để ngăn chặn đường biên giới cứng trên đảo Ireland - là cần thiết để duy trì sự toàn vẹn của thương mại châu Âu, tránh nguy cơ bạo lực bè phái trở lại ở Bắc Ireland.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã viết trên Twitter để phản ứng trước bức thư của ông Johnson: “Chốt chặn cuối là biện pháp đảm bảo để tránh thiết lập đường biên giới cứng trên đảo Ireland trừ phi và cho đến khi một biện pháp thay thế được tìm ra. Những ai phản đối chốt chặn cuối và không đề xuất được các giải pháp thay thế mang tính thực tế chỉ đơn thuần ủng hộ việc lập lại đường biên giới, cho dù họ không thừa nhận điều đó."
Giới chỉ trích cho rằng chốt chặn cuối sẽ khiến Anh phải tuân thủ các quy định của EU đến vô hạn định.
Tuy nhiên, EU và Ireland nói rằng lời đề nghị tìm kiếm “các giải pháp thay thế” của Anh là rất mập mờ và không đưa ra đảm bảo pháp lý cụ thể nào, và chỉ đơn thuần là lời mời hãy tin tưởng vào London.
Brussels nhiều lần nhắc lại rằng họ sẽ không xem xét lại hay đàm phán lại về thỏa thuận ra đi dài gần 600 trang, nhưng sẽ sẵn sàng thay đổi “tuyên bố chính trị” đi kèm về tương lai quan hệ EU-Anh.
Theo bà Bertaud, đến nay, Anh chưa yêu cầu tiến hành bất kỳ cuộc họp nào, điều cho thấy London đang hy vọng vào tiến triển của cuộc gặp trực tiếp giữa ông Johnson với bà Merkel vào ngày 21/8 và ông Macron vào ngày 22/8.
Trong bối cảnh hai bên đều không tỏ ra nhượng bộ, hiện ngày càng có nhiều quan ngại rằng Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào./.