Brexit và những lợi ích chiến lược đối với các nước ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể khai thác những lợi ích thu được khi nước Anh bắt đầu lấy lại vị trí của mình như một cường quốc châu Âu riêng biệt.
Brexit và những lợi ích chiến lược đối với các nước ASEAN ảnh 1(Nguồn: ukabc.org.uk)

Sau ba năm rưỡi kể từ cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, hành trình rời khỏi “mái nhà chung” cuối cùng đã bắt đầu kể từ ngày 31/1/2020.

Các nhà quan sát nhận định đây cũng là thời điểm nước Anh xác định lại các ưu tiên chính trị và ngoại giao, trong đó vai trò của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ ngày càng quan trọng.

Với sự dịch chuyển địa chính trị này, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể khai thác những lợi ích thu được khi nước Anh bắt đầu lấy lại vị trí của mình như một cường quốc châu Âu riêng biệt.

Quan hệ đối tác đối thoại Anh-ASEAN

Trong bối cảnh giai đoạn chuyển tiếp kéo dài đến cuối năm 2020, Anh vừa phải tìm kiếm một thỏa thuận thương mại và định hình mối quan hệ tương lai với Brussels, nước này cũng vừa phải nỗ lực theo đuổi các Hiệp định mới với các nước thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

ASEAN đã gây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác đối thoại, bao gồm EU cùng 9 quốc gia thông qua các cuộc đàm phán cấp cao thường xuyên về các vấn đề khu vực và toàn cầu kể từ năm 1978. EU đã gia nhập danh sách này với tư cách là Cộng đồng châu Âu vào năm 1979.

[Anh khẳng định không bỏ những quy định giám sát tài chính sau Brexit]

Các đối tác đối thoại này đều có các phái đoàn riêng đặt tại Jakarta, đóng vai trò là văn phòng liên lạc để trao đổi với ASEAN.

Anh đã “đánh tiếng” về việc thành lập phái đoàn tại Jakarta và sẽ tổ chức buổi lễ chính thức vào cuối tháng Hai.

Đến nay, ASEAN đã không thêm bất kỳ quốc gia nào vào danh sách các đối tác đối thoại của mình kể từ năm 1996.

Sự nhiệt tình của Chính phủ Anh nhằm củng cố mối quan hệ với ASEAN thể hiện rõ ràng qua việc nhanh chóng thiết lập các cơ sở để khởi động quá trình trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.

Châu Á đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong nhiều năm trở lại đây, nên Anh càng mong muốn liên kết với đà tăng trưởng của khu vực, đặc biệt trong giai đoạn hậu Brexit.

Mối quan tâm chính của London hiện nay là mối quan hệ đối tác kinh tế với ASEAN.

Đầu tháng Hai, Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab có chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau Brexit, với chuyến thăm Singapore vào ngày 10/2 và sau đó là Australia, Nhật Bản và Malaysia.

Có thông tin cho hay, ở Singapore, các bên tham gia trong các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ và bán lẻ đang hướng tới một thỏa thuận song phương mới vốn đang được các bên thảo luận nhằm duy trì sự liên tục về thương mại sau khi Hiệp định thương mại tự do EU-Singapore không còn được áp dụng cho nước Anh.

Sau khi chính thức rời EU, Anh cần đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với các đối tác lớn trong giai đoạn chuyển tiếp, kéo dài đến cuối năm nay.

London dường như coi Hiệp định thương mại tự do của Singapore với EU - kết quả của 10 năm đàm phán giữa hai bên là khuôn mẫu tiềm năng cho thỏa thuận giữa Anh với ASEAN.

Bên cạnh đó, một lĩnh vực quan trọng khác là hợp tác an ninh. Trong khoảng thời gian Anh quyết định “chia tay” EU vào năm 2016, nước này đã cam kết tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Thậm chí còn có thông tin cho rằng London đang xem xét xây dựng các căn cứ quân sự mới ở Đông Á. Bên cạnh đó, Anh cũng nhắm tới các thương vụ bán vũ khí cho các quốc gia trong khu vực này.

Lợi ích chiến lược của ASEAN

Về mặt kinh tế, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN sau Trung Quốc.

Trong năm 2018, thương mại giữa ASEAN và EU đạt 288,2 tỷ USD, so với mức 483,7 tỷ USD giao thương với Trung Quốc.

Vương quốc Anh chiếm 12,1% thương mại EU-ASEAN, lớn thứ tư trong số các thành viên EU sau Đức, Hà Lan và Pháp. Cụ thể, thương mại hai chiều giữa Anh và ASEAN lên tới hơn 48 tỷ USD vào năm 2018.

ASEAN đang tiến hành đàm phán Hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại lớn, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán thương mại với EU, khởi động từ năm 2007 đã bị ngừng trệ kể từ năm 2009 khi EU phản đối hành động vi phạm nhân quyền của Chính quyền quân sự Myanmar.

Sau đó, EU đã tiến hành đàm phán các thỏa thuận thương mại riêng rẽ với từng quốc gia thành viên.

Đến nay, các nước ASEAN ký kết Hiệp định thương mại với EU mới chỉ có Singapore và Việt Nam.

Trong một diễn biến mới đây, ngày 12/2, EU đã rút lại một phần trong số các ưu đãi thương mại, đặc biệt dành cho Campuchia với viện dẫn vấn đề vi phạm nhân quyền của nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá rằng các biện pháp gây áp lực về kinh tế như vậy gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân, những người rất cần được hỗ trợ, trước khi có thể tạo ra sự thay đổi tích cực tại quốc gia đó.

Giới quan sát nhận định động thái vội vàng tìm kiếm thỏa thuận thương mại với ASEAN của Chính phủ Anh có thể gây áp lực đối với EU khi mà khối này đã kiên quyết từ chối các cuộc đàm phán thương mại với ASEAN. Khu vực Đông Nam Á rộng lớn này có thể thu được nhiều lợi ích nếu đạt được một Hiệp định thương mại tự do với EU.

Mặt khác, sự hiện diện lớn hơn của Anh ở Đông Nam Á cũng sẽ có tác động lớn đến bối cảnh an ninh của khu vực. Vương quốc Anh xếp thứ tám trong danh sách các quốc gia có sức mạnh quân sự lớn nhất do Global Fire Power xếp hạng.

Công ty nghiên cứu quân sự của Mỹ này đưa ra đánh giá dựa trên chi tiêu quân sự, quy mô quân đội, thiết bị và các yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng quân sự của mỗi nước.

Việc Anh gia tăng vai trò trong các hợp tác quốc phòng của khu vực ASEAN có thể giúp tạo ra một bộ đệm để giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Chiến lược ngoại giao của ASEAN đã được thúc đẩy bằng việc sử dụng một cách hiệu quả sức mạnh tập thể để bảo vệ và thúc đẩy lợi ích của khối trong bối cảnh chính trị quốc tế diễn biến phức tạp.

Sự “tái xuất” của Anh sẽ mang lại cho ASEAN một lựa chọn chiến lược mới trong bối cảnh khối này nỗ lực gây dựng vị trí của mình trên trường quốc tế thông qua các hành động ngoại giao cân bằng và tinh tế để tránh đối kháng với bất kỳ cường quốc nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục