Brexit vẫn là nội dung chính của Hội nghị EU dù Anh không tham dự

27 lãnh đạo các quốc gia thành viên EU sẽ yêu cầu EC lập một dự thảo về nhiệm vụ chung cho mối quan hệ tương lai với Anh ngay sau Brexit.
Brexit vẫn là nội dung chính của Hội nghị EU dù Anh không tham dự ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 12-13/12 mà không sự tham dự của Vương quốc Anh, nhưng chủ đề về việc Anh rời EU, còn gọi là Brexit, vẫn chiếm thời lượng lớn trong chương trình nghị sự cùng với chiến lược về khí hậu và ngân sách dài hạn.

Thủ tướng Anh Boris Johnson không tham dự khi cuộc tổng tuyển cử tại Xứ sở sương mù cũng diễn ra vào ngày 12/12 và kết quả sẽ được công bố ngay trong đêm cùng ngày (theo giờ địa phương).

[Cuộc bầu cử ở Anh: Những lựa chọn tốt vẫn chưa định hình]

Vào ngày 13/12, tình hình sẽ trở nên rõ ràng hơn về khả năng Quốc hội mới của Anh có thể thông qua Thỏa thuận Brexit và đưa nước này ra khỏi EU vào ngày 31/1/2020 hay không và cũng thời điểm đó, các nhà lãnh đạo EU không để lãng phí thời gian cho việc tiến hành đàm phán về mối quan hệ tương lai.

Theo dự thảo kết luận của Hội nghị thượng đỉnh EU, 27 lãnh đạo các quốc gia thành viên sẽ yêu cầu EC lập một dự thảo về nhiệm vụ chung cho mối quan hệ tương lai với Anh ngay sau Brexit, để hướng dẫn cho Trưởng đoàn đàm phán EU Michel Barnier trong cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại tương lai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng điều quan trọng là duy trì sự thống nhất ở EU cho phép Michel Barnier có thể tiến hành đàm phán và bảo vệ lợi ích của EU mà không phải nhượng bộ trước áp lực, trong khi vẫn tôn trọng cạnh tranh công bằng với Anh.

Ông Macron mong muốn Thỏa thuận Brexit được phê chuẩn có thể giúp chấm dứt tình trạng không chắc chắn, trong bối cảnh sự chậm trễ của Anh đã gây không ít khó khăn cho các công ty của EU, đồng thời cho phép lãnh đạo các nước thành viên tập trung vào việc thống nhất kế hoạch cải tổ sâu rộng của riêng mình.

Tại Hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch EC Von der Leyen sẽ đưa ra kế hoạch cho một nền kinh tế carbon thấp của “Thỏa thuận xanh châu Âu.”

Vấn đề này sẽ nêu bật những khác biệt giữa 27 nước thành viên EU về ngân sách dài hạn của liên minh cũng như tham vọng xây dựng nền kinh tế không carbon đến năm 2050.

Brussels hy vọng công nghệ mới có thể giúp giảm lượng khí phát thải và các kỹ thuật thu hồi carbon - như trồng rừng - sẽ hấp thụ phần khí thải còn lại.

Nhưng ba quốc gia thành viên phụ thuộc nhiều vào than đá là Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan đã phản đối mục tiêu năm 2050 của EU.

Tuy nhiên, bà Von der Leyen vẫn đang lên một kế hoạch lập pháp, có thể được đưa ra vào cuối tháng 2/2020, với mục đích ràng buộc các quốc gia thành viên EU với kế hoạch - cùng với một "cơ chế chuyển tiếp" mà theo đó những nền kinh tế sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch như Ba Lan sẽ được tạo thuận lợi trong tiến trình chuyển tiếp sang năng lượng tái tạo.

Nhưng để có nguồn tài trợ cho dự án, EU sẽ phải xây dựng được một khung ngân sách thống nhất cho giai đoạn 2021-2027 và cuộc tranh luận tại Hội nghị Thượng đỉnh này hứa hẹn sẽ rất gay gắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục