Cuộc bầu cử ở Anh: Những lựa chọn tốt vẫn chưa định hình

Cuộc bầu cử ở Anh: Những lựa chọn tốt vẫn chưa định hình

Ông Johnson đưa ra hình ảnh đảng Bảo thủ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa hơi hướng thời đế chế xa xưa, còn Công đảng của ông Corbyn hướng tới mô hình kiểm soát nhà nước những năm 70 của thế kỷ trước.
Cuộc bầu cử ở Anh: Những lựa chọn tốt vẫn chưa định hình ảnh 1Thủ tướng Boris Johnson (phải) và lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn (trái) tại vòng tranh luận trực tiếp cuối cùng trên sóng truyền hình ở London, Anh, ngày 6/12/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cuộc tổng tuyển cử ở Anh đang đến rất gần. Vấn đề lớn nhất trong việc dự đoán kết quả cho cuộc bầu cử sắp tới là các lá phiếu bị chi phối bởi chủ đề Brexit, khi tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã được xác định.

Đã có hai Thủ tướng của đảng Bảo thủ phải ra đi do vướng mắc Brexit trong bối cảnh Quốc hội phân cực, hệ thống chính trị hai đảng thay nhau cầm quyền của nước Anh vỡ vụn, niềm tin giữa công chúng và các chính trị gia chưa bao giờ lại xa nhau đến vậy.

Theo phân tích của báo The Straits Times, tất cả các cuộc khảo sát đều cho thấy Thủ tướng Boris Johnson đang trên đà giành được thắng lợi mang tính quyết định.

Đảng Bảo thủ của ông dẫn trước Công đảng, đảng đối lập chính của Anh, 10 điểm phần trăm. Nếu chuyển sang số ghế trong Quốc hội, điều đó có thể đem lại cho Chính quyền của ông Johnson một đa số trong Hạ viện gồm 650 nghị sỹ.

[Bầu cử Anh: Rò rỉ tài liệu mật về đàm phán thương mại với Mỹ]

Tuy nhiên, không có chính trị gia nào ở Anh coi đây là kết quả chắc chắn hay thậm chí là kết quả có khả năng nhất. Vì vậy, cuộc tổng tuyển cử lần này có thể là cuộc bầu cử khó dự đoán nhất trong lịch sử nước Anh. Lý do chính giải thích cho sự khó dự đoán kết quả này là sự dễ thay đổi chưa từng có tiền lệ trong bộ phận cử tri.

Sự ngày càng dễ thay đổi của bộ phận cử tri

Các cử tri Anh vốn nổi tiếng về sự trung thành đối với đảng của họ. Cho tới những năm 1990, có tới 80% cử tri bỏ phiếu cho một đảng trong mỗi cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử gần đây vào năm 2017, không dưới một phần ba số cử tri đã từ bỏ đảng mà trước đó họ đã ủng hộ. Và giờ đây, con số này thậm chí còn cao hơn.

Mặc dù ông Johnson được coi là có uy tín hơn nhiều so với ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng, nhưng điều đặc biệt là không ai được lòng dân. Vai trò nổi bật quốc gia của hai đảng lớn này cũng đang suy giảm mạnh.

Cách đây vài thập kỷ, có tới 90% cử tri bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ hoặc Công đảng, nhưng các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy lần này, chỉ có 70% cử tri có thể làm như vậy.

Chủ đề Brexit là cuộc tranh cãi gây chia rẽ nước Anh nhiều nhất trong thời gian gần đây.

Nếu ông Johnson giành thắng lợi trong cuộc bầu cử thì phần lớn là do ông đã biết cách tập hợp những lá phiếu bài EU đằng sau khẩu hiệu “Hãy hoàn thành Brexit” của ông, thu hút nhiều cử tri ở các khu vực bầu cử trung tâm truyền thống của Công đảng, chủ yếu là ở các vùng Đông Bắc nước Anh.

Tuy nhiên, nếu Công đảng dẫn trước hay ít nhất thành công trong việc lấy đi của đảng Bảo thủ cầm quyền một đa số trong Quốc hội, thì điều đó là do ông Corbyn đã giữ lại được bộ phận cử tri cốt lõi của ông bằng những hứa hẹn truyền thống là gia tăng chi trả phúc lợi và gia tăng quản lý nhà nước đối với nền kinh tế.

Sự ngày càng dễ thay đổi của bộ phận cử tri, cũng như sự gia tăng những bản sắc khu vực ở Anh, thúc đẩy một số cử tri đi ngược lại xu hướng dân tộc. Điều này đã khiến hầu hết các cuộc thăm dò dư luận không dự đoán được kết quả của hai cuộc bầu cử trước.

Năm 2015, hầu hết các cuộc thăm dò đã không dự đoán được đa số cuối cùng của đảng Bảo thủ và năm 2017, họ cũng đã đánh giá không đúng mức tăng mạnh số phiếu của Công đảng đối lập.

YouGov, công ty thăm dò dư luận hàng đầu của Anh đã đưa ra dự đoán chính xác kết quả các cuộc bầu cử trước, hiện tiến hành khảo sát hơn 100.000 người cho cuộc bầu cử tới thuộc các vùng miền, giới, nghề nghiệp và một loạt nhân tố địa phương mà các cuộc thăm dò trước đó không đề cập.

Ông Anthony Wells, nhà nghiên cứu chính trị cho YouGov, nhận định: “Hầu hết các ghế đang có xu hướng đổi chủ là những ghế Công đảng đã giành được năm 2017 giờ đây sẽ do đảng Bảo thủ nắm giữ. Những gì đang diễn ra trong những bộ phận cử tri này là động lực quan trọng nhất cho việc quyết định liệu ông Boris Johnson có giành được đa số hay không.”

Tuy nhiên, mức độ không chắc chắc cao vẫn sẽ kéo dài vì không ai có thể dự đoán tác động của cái gọi là “bỏ phiếu mang tính chiến thuật” của các cử tri, những người thay vì lựa chọn ứng cử viên mà mình yêu thích, lại ủng hộ bất kỳ ứng cử viên nào có thể đánh bại Thủ tướng đương nhiệm.

Điều đó có thể gây tổn thương cho đảng Bảo thủ, bởi việc bỏ phiếu mang tính chiến thuật trở nên rất được yêu mến bởi những người phản đối việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, vốn là chính sách then chốt trong nguyên tắc bầu cử của đảng Bảo thủ.

Và việc đình chỉ tiến trình Brexit vẫn rất có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra ngay cả khi cuộc bỏ phiếu kết thúc vào ngày thứ Năm tuần tới.

Các lá phiếu bị chi phối bởi chủ đề Brexit

Theo nhận định của Financial Times, cả đảng Bảo thủ và Công đảng, bị phụ thuộc vào dân túy, đều từ bỏ quan điểm trung dung và từ bỏ cách thể hiện ôn hòa.

Cả hai vị lãnh đạo đảng đều đưa ra biện pháp sửa chữa phi thực tế hướng đến quá khứ tưởng tượng nửa vời: ông Boris Johnson đưa ra hình ảnh đảng Bảo thủ mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa hơi hướng thời đế chế xa xưa, còn Công đảng của ông Jeremy Corbyn hướng tới mô hình kiểm soát nhà nước của những năm 70 của thế kỷ trước.

Financial Times cho biết từ lâu tờ báo theo tôn chỉ ủng hộ dân chủ tự do, tự do thương mại, và nền kinh tế thị trường. Họ tin vào doanh nghiệp tư nhân cho dù ủng hộ chủ trương cải tổ chủ nghĩa tư bản công ty.

Financial Times khẳng định mối quan hệ của Anh với EU là trung tâm cho việc gắn kết can dự của Anh đối với thế giới - khi đương đầu với các vấn đề như biến đổi khí hậu, sự trỗi dậy của Trung Quốc, và một Tổng thống Mỹ dường như đang quay lưng với hệ thống đa phương dựa trên tuân thủ các nguyên tắc luật lệ quốc tế.

Theo Financial Times, đảng đưa ra những chính sách có tính rủi ro cao là Công đảng dưới sự dẫn dắt của ông Corbyn. Đảng này vạch ra đường lối xã hội chủ nghĩa để thay thế nền kinh tế thị trường bằng mô hình chế độ trung ương tập quyền. Công đảng muốn đảo ngược chứ không phải sửa đổi chủ nghĩa Thatcher những năm 80 của thế kỷ trước.

Trong thời kỳ bình thường, thì những thực tế nói trên của Công đảng sẽ khiến mọi ủng hộ đổ dồn cho đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, hiện không phải là thời kỳ bình thường. Đảng Bảo thủ hiện đang ở trong tình thế rủi ro cao. Ông Johnson đã chơi chiêu bài nhanh và lỏng lẻo đối với những hình thái dân chủ. Những lời nói của ông hầu như không mang tính cam kết. Lời hứa sẽ "thực hiện xong Brexit" chỉ nhằm an ủi những người khát khao muốn chấm dứt tình trạng chung chiêng hoặc trì hoãn Brexit.

Thỏa thuận rút khỏi EU của ông Johnson là một thỏa thuận khó khăn nhất cho nước Anh, một thỏa thuận thương mại với những cam kết đối với quy định liên kết và hợp tác an ninh trở nên kém hiệu quả hơn. Việc tạo ra đường biên giới trên biển Ireland tạo ra rủi ro, làm suy yếu sự gắn kết các vùng miền của nước Anh.

Ý tưởng cho rằng có thể đạt được một thỏa thuận thương mại tốt cho Anh có thể được kết thúc vào 12/2020 là điều kỳ diệu. Nhưng nếu như ông Johnson tiếp tục khăng khăng sẽ không gia hạn thêm thời gian để thực hiện thỏa thuận thương mại bế tắc với EU, thì khả năng ảnh hưởng thương mại gián đoạn giữa hai bên có thể sẽ bắt đầu lấp ló xuất hiện kể từ bây giờ.

Khi hai đảng chính trị lớn nhất của Anh để trống khoảng giữa sân chơi, điều này đã mang lại cho đảng Dân chủ Tự do cơ hội để thể hiện họ là đảng ôn hòa, nhưng đảng này lại có chiến dịch tranh cử yếu kém. Jo Swinson, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, đã kêu gọi rút lại Brexit mà không có một cuộc trưng cầu dân ý khác.

Financial Times cũng cho biết họ nhận thấy có nhiều người trong và ngoài cộng đồng doanh nghiệp sẽ không thể tránh khỏi việc cuối cùng sẽ phải bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ, cho dù là miễn cưỡng, vì đó là cách duy nhất để họ có thể đảm bảo ông Corbyn không nắm quyền lực. Trong khi đó nếu một quốc hội treo, có thể, về lý thuyết, cho phép xem xét lại vấn đề Brexit, điều này sẽ gây ra rủi ro ảnh hưởng đến quyền lực của lãnh đạo Công đảng.

Thăm dò bỏ phiếu hiện nay cho thấy khả năng ông Johnson sẽ thắng, nắm đa số ghế trong Hạ viện. Khi đó, ông Johnson - về lý thuyết - sẽ tự do thực hiện ý đồ chính trị của mình đối với Brexit và điều chỉnh các mục tiêu của ông trở thành hiện thực. Trong quá khứ, ông Johnson thể hiện là người có khả năng xoay trục chuyển từ một người cơ hội trở thành một chính khách nhìn xa trông rộng.

Những vấn đề mà Chính phủ mới phải đối mặt

Nếu như Brexit diễn ra, ưu tiên hàng đầu cần phải đảm bảo đó là xây dựng quan hệ tương lại gần gũi và mang tính xây dựng với EU.

Brussels đã đưa ra thông điệp rõ ràng là cần có sự nhân nhượng hai bên giữa chủ quyền và việc để Anh có quyền tự do tiếp cận với thị trường EU. Những nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất đã đưa ra cảnh báo việc giữ lại nguyên tắc liên kết với EU là điều quan trọng chính yếu cho khả năng cạnh tranh của họ.

Theo Financial Times, Anh không nên theo đuổi một thỏa thuận khắt khe với EU với hy vọng sẽ thu lại được những lợi ích lớn hơn từ các thỏa thuận thương mại với Mỹ và các nước khác ngoài EU, điều này có thể sẽ dẫn đến sự đổ vỡ. Mô hình tối giản quy định theo mô hình của Singapore sẽ không giúp gì được mấy trong cuộc vật lộn cạnh tranh tại các khu vực hậu công nghiệp.

Chính phủ mới phải nhằm tới xây dựng nước Anh dựa trên các thế mạnh kinh tế của mình. Chiều sâu sức hút dòng vốn sẽ đảm bảo để khu tài chính London giữ vững được vị trí đứng đầu của mình tại châu Âu.

Những ngành dịch vụ chuyên nghiệp, các ngành công nghiệp sáng tạo, các hoạt động nghiên cứu và giáo dục tuyệt vời của các trường đại học Anh - và gần đây nhất là sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp - là những lĩnh vực mà nước Anh có những lợi thế bền vững lâu đời.

Ngoài ra, 9 năm theo đuổi chính sách thắt lưng buộc bụng đã làm thiếu hụt ngân sách cho các dịch vụ công. Cơ sở hạ tầng ọp ẹp. Người lãnh đạo sắp tới phải tạo ra môi trường đúng đắn để duy trì đầu tư nước ngoài, xây dựng được cơ sở hạ tầng doanh nghiệp cần thiết.

Tối đa hóa cơ hội kinh tế trên toàn nước Anh cũng là điều vô cùng quan trọng để tránh có thêm những khoảng cách phát triển vùng miền. Để mất Scotland hậu Brexit có thể sẽ là một kết thúc thảm kịch đối với một trong những liên minh chính trị thành công nhất trong lịch sử.

Nước Anh phải tập trung để gắn kết lại cùng nhau và bảo vệ giá trị ảnh hưởng toàn cầu của mình.

Trên hết, nước Anh cần một liên kết chính trị, một sự xoay chuyển trở lại từ những quan điểm cực đoan trở về thái độ ôn hòa, trung dung. Nước Anh cần một Quốc hội sẵn sàng bỏ sang bên 3 năm đầy bất đồng để cùng nhau đi tới một tinh thần nhất trí đồng lòng mang tính xây dựng.

Quốc hội cần những nghị sỹ có tư tưởng quốc tế, ủng hộ các doanh nghiệp, những người nhận ra rằng cho dù không còn ở trong câu lạc bộ EU nữa, nước Anh có thể - và phải giữ nguyên tinh thần sức mạnh châu Âu cởi mở và tự do.

“Thực hiện cho xong Brexit” đã trở thành một khẩu hiệu tranh cử mạnh mẽ của đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, theo giới phân tích, khẩu hiệu này che giấu một sự thật rằng nếu ông Johnson giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, nước Anh sẽ phải đối mặt với một cuộc đàm phán thương mại khó khăn, với EU bởi thời hạn ông Johnson đặt ra để Anh hoàn thành một thỏa thuận thương mại với EU vào tháng 12/2020 là vô cùng khó khăn.

Cuộc bầu cử ở Anh: Những lựa chọn tốt vẫn chưa định hình ảnh 2Thủ tướng Anh Boris Johnson trong bài phát biểu công bố cương lĩnh tranh cử của đảng Bảo thủ ở Telford ngày 24/11/2019. (Nguồn: THX/TTXVN)

Câu hỏi được đặt ra là liệu có thể đạt được một thỏa thuận vào tháng 12/2020?

Ông David Henig, từng là nhà đàm phán thương mại của Anh, cho rằng điều đó là không thể. Các quan chức EU cảnh báo rằng Brussels và Vương quốc Anh có thể chỉ có 5 tháng để đạt được thỏa thuận vì cần thời gian để kiểm tra tính pháp lý, dịch thuật và phê chuẩn nó.

Phải mất 4 tháng và 10 ngày để chuẩn bị bản dự thảo thỏa thuận thương mại EU-Nhật Bản cho việc phê chuẩn - bao gồm cả việc rà soát pháp lý và dịch sang 24 ngôn ngữ chính thức của EU - và Brussels xem đây như một ví dụ điển hình cho tốc độ xử lý nhanh chóng.

Trong khi đó, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của EU, cho biết thời gian “là vô cùng ngắn ngủi” và rằng “khoảnh khắc thực sự đầu tiên” sẽ đến vào mùa Hè năm 2020.

Nước Anh có thể đối mặt với khủng hoảng kinh tế nếu rời EU mà không có thỏa thuận thương mại và mặc định thực hiện theo các quy tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trừ khi nước này đồng ý kéo dài thời gian chuyển đổi.

Sự ra đi với các quy định của WTO sẽ chứng kiến việc các rào cản thương mại, hạn ngạch và thuế quan mới được dựng lên “chỉ trong một đêm”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục