Theo báo Les Échos, sau chuyến thăm Athens ngày 26/7, chặng dừng chân tiếp theo của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman trong chuyến công du châu Âu lần này là Paris vào ngày 28/7 vừa qua.
Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của nhân vật này kể từ vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại vào năm 2018. Các chuyến công du như vậy đang giúp nhà lãnh đạo Saudi Arabia trở lại trường quốc tế sau thời gian dài vắng bóng vì tai tiếng.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Sau chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày tới Hy Lạp, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, với biệt danh “MBS,” sẽ đến Paris để dự bữa tối làm việc với Tổng thống Emmanuel Macron, người vừa trở về chỉ vài giờ sau chuyến công du châu Phi.
Ngoài bữa tối với nguyên thủ quốc gia Pháp, có rất ít thông tin chi tiết về lịch trình của chuyến thăm. Ngay cả sự xuất hiện của MBS cũng được che đậy “trong một sự mơ hồ.”
Hãng thông tấn Saudi Arabia SPA cũng chỉ úp mở rằng chuyến công du chóng vánh đến châu Âu lần này là cơ hội để các lãnh đạo của hai bên gặp gỡ và “thảo luận về quan hệ song phương và các biện pháp củng cố quan hệ trong các lĩnh vực khác nhau.”
Chuyến thăm lần này của MBS trước hết mang tính biểu tượng cao: thứ nhất, đây là chuyến đi chính thức đầu tiên ông đến châu Âu kể từ sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát vốn gây nhiều phản ứng dữ dội trong giới bảo vệ nhân quyền.
Câu chuyện đến nay vẫn còn nhạy cảm đối với MBS vì trong chuyến thăm Hy Lạp của ông, không có cuộc tiếp xúc nào với báo chí được tổ chức; tiếp theo, chuyến công du châu Âu cũng là một bước tiến mới trong quá trình “phục hồi uy tín” của MBS, bởi nó diễn ra chưa đầy 2 tuần sau chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Joe Biden; cuối cùng, trong bối cảnh xung đột quân sự tiếp tục diễn ra ác liệt ở Ukraine, Saudi Arabia đang được các nước phương Tây, kể cả Pháp, rất quan tâm nhằm thuyết phục nước này mở thêm các van dầu lửa để xoa dịu thị trường và kiềm chế lạm phát.
[Tổng thống Pháp kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng dầu mỏ]
Theo đó, có vẻ như Tổng thống Macron sẽ một lần nữa đưa ra yêu cầu MBS tăng sản lượng dầu để giảm bớt áp lực cho thị trường. Và như đã được thấy qua dư luận báo chí, rất có thể nguyên thủ quốc gia Pháp sẽ tiếp tục được đáp lại rằng trong khuôn khổ cam kết của Saudi Arabia với OPEC (mà Riyadh giữ vai trò đồng lãnh đạo với Moskva), nước này khó có thể tăng thêm sản lượng do năng lực sản xuất đã đến mức giới hạn và thực tế không còn dư địa để hành động.
Trước đó trong chuyến thăm Hy Lạp của MBS, ngoài các hợp đồng liên quan đến vận tải biển và quốc phòng, đã có thêm một số biên bản thỏa thuận được ký kết trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt phải kể đến việc lắp đặt một tuyến cáp điện nối 2 quốc gia với mục đích cung cấp cho châu Âu “năng lượng rẻ hơn nhiều.” Ngoài ra, một dự án cáp chuyển dữ liệu giữa Athens và Riyadh cũng đã được phê duyệt, giúp Hy Lạp trở thành một “bản lề khu vực giữa châu Âu và châu Á.”
Cũng nhân chuyến thăm Pháp của MBS, trang tin France Info cho rằng quá trình nhân vật này xuất hiện trở lại trên trường quốc tế có thể được chia thành ba giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất thực sự bắt đầu vào tháng Sáu vừa qua, khi ông có chuyến công du đến Ai Cập, Jordan và đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ và được Tổng thống Erdogan tiếp đón.
Cuộc gặp gỡ này đã chấm dứt sự ghẻ lạnh sau vụ ám sát Jamal Khashoggi đầy tai tiếng. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt vấn đề về trách nhiệm của chính quyền Saudi Arabia trong vụ việc này. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có trong nước đã buộc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ phải thay đổi thái độ để thu hút triệt để các nhà đầu tư đến vãn hồi tình hình.
Giai đoạn thứ hai là sau hơn 3 năm im lặng, MBS đã nổi lên trở lại sau chuyến thăm gây tranh cãi và bị phê phán của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Jeddah mới đây. Tình hình địa chính trị thế giới đã làm đảo lộn mọi thứ. Cuộc chiến ở Ukraine đã đặt các chế độ quân chủ vùng Vịnh trở lại trung tâm của trò chơi dầu mỏ đang cực kỳ bất ổn bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva.
Chuyến thăm Pháp của MBS nằm trong giai đoạn thứ ba, tuy không mang lại nhiều kết quả về quan hệ kinh tế nhưng góp phần cải thiện hình ảnh của nhà lãnh đạo quân chủ lớn nhất Vùng Vịnh. Lần gặp gần nhất giữa hai nhân vật diễn ra tại tại Jeddah vào tháng 12/2021. Khi đó, Tổng thống Pháp đến Saudi Arabia để thảo luận với MBS về “sự ổn định” tình hình Trung Đông và việc hỗ trợ Liban.
Cuộc gặp đã gây nhiều tranh cãi khi ông Emmanuel Macron là một nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên tiến thêm một bước trong quan hệ với nền quân chủ Vùng Vịnh này sau vài năm nguội lạnh. Để biện minh cho điều này, người đứng đầu nhà nước Pháp đã lập luận rằng cần phải đối thoại với Saudi Arabia, “quốc gia lớn nhất vùng Vịnh về quy mô,” để có thể “kiến tạo ổn định” cho khu vực./.