Cà Mau: Bắt tạm giam nữ giám đốc để điều tra hành vi lừa đảo

Công an tỉnh Cà Mau đã tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối bà Võ Kim Mẫn, Giám đốc Công ty Cổ phần Hợp tác Đầu tư Quốc tế Hanoca để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."
Cà Mau: Bắt tạm giam nữ giám đốc để điều tra hành vi lừa đảo ảnh 1Ảnh minh họa.

Chiều 3/3, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam 4 tháng đối bà Võ Kim Mẫn (sinh năm 1982; ngụ khóm 5, phường 5, thành phố Cà Mau), Giám đốc Công ty Cổ phần Hợp tác Đầu tư Quốc tế Hanoca (có trụ sở tại xã Tân Thành, thành phố Cà Mau) để điều tra hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Cà Mau đã tiếp nhận đơn của bà Tr.T.D (ngụ phường 4, thành phố Cà Mau) tố giác bà Võ Kim Mẫn có hành gian dối trong việc vay vốn đáo hạn ngân hàng rồi chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng.

Vào cuộc điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, vào tháng 3/2020, bà Võ Kim Mẫn có thỏa thuận mua thửa đất (khóm 1, phường Tân Thành, thành phố Cà Mau) có diện tích 911.2m2 với giá 10 tỷ đồng.

Với lý do không đủ tiền trả, bà Võ Kim Mẫn đã liên hệ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội, Chi nhánh Cà Mau (Ngân hàng SHB Cà Mau) để vay 9,9 tỷ đồng và được giải ngân.

Ngày 26/3/2020, bà Mẫn liên hệ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Cà Mau để nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CS868796 đứng tên mình (Ngân hàng SHB Cà Mau không biết sự việc này).

[Giám đốc Công ty cho thuê xe ôtô tự lái câu kết chiếm đoạt tài sản]

Đến ngày 27/3/2020, bà Mẫn đã sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó để đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Cà Mau (Agribank thành phố Cà Mau) để thế chấp, vay 14,5 tỷ và được giải ngân trong ngày.

Phát hiện vụ việc, SHB Cà Mau đã yêu cầu bà Mẫn trả nợ trước hạn đối với khoản vay mà ngân hàng này bảo lãnh để mua đất, nếu không, ngân hàng sẽ tố giác bà Mẫn đến cơ quan công an. Lo sợ mình bị tố giác, bà Mẫn đã trả cho ngân hàng số tiền là 4,566 tỷ đồng (nợ gốc trên 4,47 tỷ đồng, lãi gần 97 triệu đồng) và còn nợ lại 5,4 tỷ đồng.

Sợ bị tố giác, bà Mẫn tìm đến bà Tr.T.D (có quen biết trước đó), nói dối là có khoản vay đến ngày đáo hạn tại SHB Cà Mau. Đồng thời, bà Mẫn còn gửi cho bà D hợp đồng cấp hạn mức tín dụng để làm tin, thực chất hợp đồng này không liên quan gì đến việc đáo hạn nợ.

Do chưa có thông tin liên quan, bà D đã liên lạc với hai cán bộ Ngân hàng SHB Cà Mau để hỏi về việc đáo hạn đối với khoản vay của bà Mẫn. Dù vậy, hai cán bộ này không cung cấp trung thực thông tin, mà trả lời chung chung là nếu hồ sơ hoàn thiện thì sẽ tiếp tục cho vay, dẫn đến việc bà D tin tưởng là có việc bà Mẫn vay đáo hạn.

Yên tâm về thông tin các bên liên quan cung cấp, sáng 5/6/2020, bà D đã gặp bà Mẫn ký "Biên bản thỏa thuận vay tiền" và "Biên nhận vay tiền." Theo đó, bà Mẫn đã vay của bà D với số tiền là 5,4 tỷ đồng, mục đích để đáo hạn nợ vay, thời hạn vay là 1 ngày, lãi suất thỏa thuận.

Đến chiều, bà D có liên hệ với bà Mẫn và cán bộ SHB Cà Mau để hỏi về vay đáo hạn của bà Mẫn nhưng không được. Nghi ngờ mình đã bị lừa nên bà D xin gặp lãnh đạo SHB Cà Mau khiếu nại nhưng không được giải quyết.

Ngày 30/11/2020, bà D đã tố cáo lãnh đạo SHB Cà Mau và 1 cán bộ tín dụng có hành vi cấu kết với bà Mẫn lừa đảo chiếm đoạt 5,4 tỷ đồng nhưng được Tổng Giám đốc SHB trả lời không thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết. Đến ngày 22/12/2020 bà D đã gửi đơn tố giác đến cơ quan Công an.

Hiện, Cơ quan Công an đang mở rộng điều tra làm rõ thêm các thông tin có liên quan đến vụ việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục