Cà Mau đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện có dịch COVID-19

Cà Mau tiếp tục triển khai, thực thi có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do nhằm tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế được những thách thức để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường mới.
Cà Mau đẩy mạnh xuất khẩu trong điều kiện có dịch COVID-19 ảnh 1Sản phẩm tôm chế biến của Cà Mau có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và đã xuất khẩu đến trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Ngày 6/7, ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, cho biết trong những tháng cuối năm 2021, tỉnh tập trung phối hợp, chỉ đạo đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong điều kiện tình hình dịch bệnh COVID-19 đang còn diễn biến phức tạp.

Sở chủ động liên hệ với Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương để có những nhận định chính xác và nắm chắc diễn biến, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời tranh thủ sự quan tâm, phối hợp hỗ trợ của các Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài tìm hiểu tình hình thị trường, điều kiện thông quan,... để thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

[Đặc sản Cà Mau đến với người tiêu dùng qua phương thức trực tuyến]

Giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất khẩu của tỉnh phải kể đến việc phối hợp với các ngành hữu quan chỉ đạo bảo đảm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới.

Đặc biệt, đối với các mặt hàng đang tạm dừng xuất khẩu do đối tác bị ảnh hưởng dịch bệnh giãn, hủy đơn hàng; tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường...

Sở Công Thương Cà Mau tiếp tục triển khai, thực thi có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trên địa bàn tỉnh nhằm tận dụng tối đa cơ hội và hạn chế được những thách thức do Hiệp định mang lại để gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường mới.

Cùng đó là hệ thống ngân hàng chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của khách hàng; rà soát các quy định cho vay, quy trình thẩm định, cải tiến quy định, quy trình, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhưng phải đảm bảo đúng theo các quy định của pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ổn định sản xuất kinh doanh xuất, nhập khẩu.

Đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì cần áp dụng các biện pháp hỗ trợ đảm bảo đúng theo quy định; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho khách hàng nhằm tiếp cận vốn vay nhanh, tiện lợi, kịp thời phục vụ sản xuất kinh doanh.

Cơ quan chức năng tỉnh tiếp tục qun tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn để duy trì đẩy mạnh liên kết hình thành các mô hình sản xuất-chế biến-xuất khẩu theo chuỗi.

Tỉnh chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại ngoài nước theo cách thức trực tuyến, email ..., xuất khẩu ngay khi có cơ hội, nâng cao chất lượng hàng hóa để tiếp cận gần hơn với quy chuẩn quốc tế nhằm tạo cơ hội tiếp cận các thị trường mới; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các khách hàng nhập khẩu đối với các nước vẫn duy trì xuất nhập khẩu để đảm bảo các mặt hàng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nên tranh thủ xuất khẩu cho khách hàng hiện có và tìm khách hàng mới.

Mặc dù trong điều kiện có dịch COVID-19 nhưng tình hình chế biến và xuất khẩu, nhất là mặt hàng tôm của tỉnh Cà Mau 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, sản lượng tôm ước đạt gần 108.000 tấn, tăng 9,5%; trong đó, sản lượng tôm chế biến ước đạt 85.250 tấn, tăng 21,25%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 455 triệu USD, tăng 18,08%. Xuất khẩu hàng hóa của Cà Mau phần lớn ở các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc…

Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh và một số thị trường xuất khẩu được kiểm soát tốt. Nhu cầu tiêu thụ mặt hàng tôm cho phân khúc nhà hàng và dịch vụ thực phẩm được dần hồi phục và tăng cao.

Trong khi xuất khẩu tôm của Việt Nam, trong đó có Cà Mau đang trên đà thuận lợi thì một số nước sản xuất tôm khác như Ấn Độ, Thái Lan…vẫn đang gặp nhiều khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thời gian gần đây, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn tăng trở lại và dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong thời gian tới.

Cùng với đó, với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết đã và đang mang lại cho doanh nghiệp nhiều thuận lợi để phát triển kinh doanh, xuất khẩu vào các thị trường mới. Điều này sẽ giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam nói chung và xuất khẩu của Cà Mau nói riêng gặp nhiều thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, một số nước như Mỹ, Trung Quốc, EU…, triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 trên diện rộng nên tình hình dịch COVID-19 cơ bản kiểm soát. Nhiều nước ở thị trường xuất khẩu cũng đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại; các loại hình dịch vụ, du lịch… hoạt động trở lại và nhu cầu sắm, tiêu dùng của người dân theo đó cũng tăng cao/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục