Cà Mau khẩn trương xử lý các ổ dịch tả lợn châu Phi

Sau nhiều tháng không xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi, từ cuối tháng Tám vừa qua đến đầu tháng Chín này, Cà Mau đã xuất hiện liên tiếp hai ổ dịch ở địa bàn các huyện U Minh và Năm Căn.
Cà Mau khẩn trương xử lý các ổ dịch tả lợn châu Phi ảnh 1Lợn được tiêu hủy ngay sau có kết quả dương tính với bệnh dịch tả châu Phi. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Sau nhiều tháng không xuất hiện thêm ổ dịch tả lợn châu Phi, từ cuối tháng Tám vừa qua đến đầu tháng Chín này, Cà Mau đã xuất hiện liên tiếp hai ổ dịch ở địa bàn các huyện U Minh và Năm Căn.

Cụ thể mới đây, theo thông báo từ Chi cục Thú y vùng VII về kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm lợn bị bệnh chết của hộ ông Trần Văn Sơn (ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn), kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Đáng lo ngại nhất là qua rà soát của ngành chức năng, đây là đàn lợn thuộc dự án nuôi lợn thương phẩm - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhập về cấp phát cho hộ chăn nuôi từ ngày 1/9 vừa qua, có nguồn từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Trước đó, ngày 30/8 vừa qua, đàn lợn của hộ ông Lê Văn Phúc (ấp 9, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) cũng đã có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Đàn lợn này được nhập về vào ngày 17/8 vừa qua, nguồn gốc cũng từ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, từ Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Trước tình hình trên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có công văn yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Năm Căn chỉ đạo cơ quan chức năng có liên quan của huyện, Ủy ban Nhân dân xã Lâm Hải phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tập trung thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, không để dịch lây lan ra diện rộng.

[19 tỉnh, thành phố trên cả nước còn dịch tả lợn châu Phi]

Đặc biệt là khẩn trương tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ổ dịch bệnh và khu vực xung quanh theo quy định; điều tra tổng đàn, theo dõi lâm sàng, lấy mẫu xét nghiệm đúng phạm vi, tần suất; kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng có ổ dịch bệnh; rà soát các điều kiện để công bố dịch bệnh theo quy định nếu đủ điều kiện.

Ngành chức năng liên quan nhanh chóng kiểm tra, rà soát nguồn gốc con giống đã cấp phát cho hộ dân thuộc các dự án nuôi lợn thương phẩm, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh, qua đó chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thích hợp.

Đối với việc phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh nói chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc công văn số 5023/UBND-NNTN ngày 20/8 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh về các biện pháp tăng cường phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh, lây lan trên diện rộng.

Các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền sâu rộng cho tổ chức, cá nhân chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn, thịt lợn trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh, thu gom, xử lý chất thải, làm sạch môi trường chăn nuôi, tăng tần suất tiêu độc khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, các khu vực xung quanh; hướng dẫn người dân thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.

Khi phát hiện lợn bị bệnh, người dân phải báo với cơ quan chức năng để kiểm tra và có biện pháp xử lý kịp thời. Đơn vị chức năng kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn và thịt lợn; kiểm tra các cơ sở giết mổ trên địa bàn; xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài mở đợt cao điểm tuyên truyền về phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để người dân hiểu, phối hợp thực hiện tốt. Việc thông tin về tình hình dịch bệnh phải chính xác, kịp thời, không gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tạo tâm lý hoang mang trong cộng đồng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục