Cà Mau: Thăm hỏi, động viên gia đình 3 thợ lặn mất tích trên sông Cửa Lớn

Ngoài hỗ trợ từ phía tỉnh Cà Mau, cấp ủy, chính quyền huyện Năm Căn và Ngọc Hiển cũng đến thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu cho các gia đình  nạn nhân trong vụ mất tích trên sông Cửa Lớn.

Hiện trường vụ nổ khiến 3 người mất tích.
Hiện trường vụ nổ khiến 3 người mất tích.

Liên quan đến vụ 3 người mất tích sau tiếng nổ lớn trên sông tại Cà Mau, chiều 18/1, Đoàn Công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ bước đầu cho gia đình những nạn nhân tại khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau.

Ngoài hỗ trợ từ phía tỉnh, trong các ngày 17 và 18/1, cấp ủy, chính quyền huyện Năm Căn và Ngọc Hiển cũng đến thăm hỏi, hỗ trợ bước đầu và giúp gia đình những nạn nhân trong vụ mất tích.

Như đã thông tin, sáng 17/1, người dân xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển có thấy 3 người đi trên một phương tiện thủy đến khu vực sông Cửa Lớn mò tìm phế liệu. Không lâu sau, có tiếng nổ lớn phát ra, cả 3 người đều mất tích.

Khi nổ lớn phát ra, nhà dân cách vụ nổ chừng 700-800m ghi nhận nhiều vật dụng treo trong nhà bị rơi xuống đất; nhiều tủ kính thủy tinh bị nứt, vỡ…

Ngay sau đó, lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc và xác định những người mất tích gồm: Nguyễn Ngọc Tư (sinh năm 1982), Tạ Văn Nhí (sinh năm 1991) và Nguyễn Chí Hiếu (sinh năm 2008), cùng tạm trú tại khóm Sa Phô, thị trấn Năm Căn.

Kiểm tra tại bìa rừng gần nơi xảy ra tiếng nổ lớn, lực lượng chức năng tìm thấy một phần chiếc vỏ lãi của nhóm người mất tích; gần đó là một chiếc bình hơi, loại thường dùng cho thợ lặn.

Ngoài ra, lực lượng làm nhiệm vụ còn tìm thấy nhiều mẫu vật dính trên cành, nhánh của cây rừng, được cho là một phần thi thể của các nạn nhân…

Trong ngày 18/1, lực lượng chức năng tiếp tục thu nhặt thêm được nhiều mẫu vật được cho là thi thể của nhóm người mất tích, qua đó có thể xác định các nạn nhân trong vụ việc đều đã tử vong.

Theo thông tin từ người nhà nạn nhân, vài ngày trước khi vụ việc xảy ra, ông Nguyễn Ngọc Tư có mò được quả bom nên kéo về để gần nhà; qua đó có ý định cưa ra để bán phế liệu nhưng bị người thân can ngăn.

Sau đó, ông Nguyễn Ngọc Tư cùng Nhí, Hiếu buộc quả bom vào chiếc vỏ lãi rồi di chuyển sang bìa rừng bên kia bờ sông Cửa Lớn để cưa bom rồi dẫn đến vụ việc đau lòng nói trên.

Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau cho biết công tác tuyên truyền về bom, đạn, vật liệu nổ… đã được thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua. Nhờ tin báo của nhân dân, lực lượng chuyên trách của tỉnh đã tiêu hủy khá nhiều bom, đạn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng nông thôn vẫn còn xảy ra tình trạng người dân chậm trình báo, tự ý tác động ngoại lực vào bom, đạn… dẫn đến những sự việc đáng tiếc.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cà Mau khuyến cáo khi phát hiện bom, đạn, vật liệu…, người dân cần phải nhanh chóng trình báo ngay cho chính quyền địa phương nơi gần nhất để lực lượng chức năng can thiệp kịp thời, tránh tái diễn những sự việc đau lòng tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục