Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính lũy kế đến ngày 20/09/2023, cả nước có 38.379 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 455,06 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 289,9 tỷ USD, bằng 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong 9 tháng, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được khoảng hơn 15,9 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 0,9 điểm phần trăm so với 8 tháng đầu năm.
Xét phân loại theo ngành cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.
[Thu hút vốn FDI của TP.HCM trong 4 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ]
Trong số đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 273,9 tỷ USD (chiếm 60,2% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với gần 67,4 tỷ USD (chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với hơn 38,4 tỷ USD (chiếm 8,4% tổng vốn đầu tư).
Riêng trong tháng 9, có dự án đầu tư mới từ các nhà đầu tư Liechtenstein đã góp phần nâng tổng số quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam lên 144 đối tác.
Trong số đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký gần 83 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư); Singapore đứng ở vị trí thứ hai với gần 73 tỷ USD (chiếm 16%. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hong Kong (Trung Quốc).
Theo địa bàn, vốn đầu tư nước ngoài đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài với gần 57,14 tỷ USD (chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là Bình Dương với hơn 40,3 tỷ USD, chiếm gần 8,9%; Hà Nội với gần 39,5 tỷ USD chiếm gần 8,7%./.