Theo báo cáo kết quả sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định 1946/QĐ-TTg về việc xử lý, phòng ngừa ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu của Tổng cục Môi Trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cả nước hiện còn trên 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu; trong đó có 335 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cần được xử lý đến năm 2020.
Kết quả điều tra, thống kê của Tổng cục Môi trường, cho thấy trên 1.153 điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu nằm rải rác trên địa bàn 39 tỉnh, thành phố. Trong số đó, có 864 khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố và 289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 37 tỉnh, thành phố.
Được biết, phần lớn hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu này là các loại hóa chất độc hại và khó phân hủy trong môi trường như: Lindan, Endrin, Wofatox, Ethyl Parathion, Falisan, Ceresan…
Theo nhận định của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), việc tồn dư quá nhiều điểm hóa chất độc hại trong các khu dân cư, trong khi các kho lưu trữ hóa chất bảo vệ thực vật đang xuống cấp nghiêm trọng đã ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống và sức khỏe của người dân.
Trước thực trạng nêu trên, Tổng cục Môi trường cho biết sẽ sớm có hướng dẫn về công nghệ giúp các địa phương lựa chọn công nghệ thích hợp để xử lý tiêu huỷ hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu đồng thời khắc phục đất bị ô nhiễm.
Song song với đó, Tổng cục Môi trường cũng hy vọng thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp của các bộ, ngành để triển khai thành công các mục tiêu phòng ngừa và xử lý ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước, đặc biệt là các địa phương đang nhiều bức xúc về ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Tuyên Quang../.