‘Các bệnh viện Trung ương tạo nên thương hiệu, vị thế để đối ngoại'

Theo Phó giáo sư Vũ Xuân Phú, các bệnh viện tuyến Trung ương có vai trò thể hiện chuyên khoa đầu ngành, tập trung chuyên gia, kỹ thuật, tập trung về mặt pháp lý, thương hiệu, vị thế để đối ngoại.
Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện K. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến của các bệnh viện Trung ương và tổ chức cuộc họp để thảo luận về việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” đang nhận được sự quan tâm với nhiều nhóm chính sách lớn được đưa ra thảo luận. Trong đó, theo khoản 1, Điều 27 của dự thảo có nội dung: “Chuyển giao các bệnh viện thuộc Bộ, Cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn Thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bệnh viện các trường đại học.”

Đây là chủ đề đang được rất nhiều các bệnh viện và ngành y tế quan tâm. Phó Giáo sư Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương có những chia sẻ thấu đáo xung quanh vấn đề này.

- Hiện nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến việc "di dời" các Bệnh viện Trung ương do Bộ Y tế quản lý về Hà Nội. Phó giáo sư có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Phó giáo sư Vũ Xuân Phú: Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là định hướng đúng, đặc biệt là phát triển ngành y tế.

[Có nên xáo trộn các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội?]

Tuy nhiên, việc triển khai các vấn đề cụ thể trong định hướng Nghị quyết 19 cần đề cập xem việc triển khai thế nào cho phù hợp và hiệu quả.

Tôi đồng ý có thể tham khảo các mô hình quản lý sự nghiệp ngành y tế của các nước trong khu vực. Nhưng tham khảo là một chuyện còn việc vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn lại là chuyện khác.

Chúng ta cần xem xét về cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật của Việt Nam cũng như hệ thống y tế của Việt Nam từ cơ sở đến trung ương, cách tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ra sao để có những phân tích thấu đáo và vận dụng cho phù hợp với hệ thống y tế của đất nước.

Hiện nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến việc "di dời" các Bệnh viện Trung ương do Bộ Y tế quản lý về Hà Nội mới chỉ đơn thuần tính đến việc tiếp cận dịch vụ, về vị trí địa lý chứ chưa tính đến khía cạnh khác. Có thể hiểu đó là bệnh viện Trung ương nào nằm trên địa bàn Hà Nội phải do ngành y tế Hà Nội quản lý.

Điểm lại chúng ta có thể thấy bệnh viện Trung ương nằm trên địa bàn các tỉnh tương đối nhiều nhưng nhiều nhất vẫn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Thái Nguyên... Nếu nói về việc tiếp cận dịch vụ mang tính chất địa lý thì phải khẳng định dù bệnh viện Trung ương nằm ở tỉnh nào vẫn đón bệnh nhân ở cả 64 tỉnh thành đến khám chữa bệnh.

Đặc biệt là các trường hợp cấp cứu thì bất kể cơ sở y tế nào đều phải tiếp nhận, điều trị, không phân biệt vùng miền, không phân biệt có bảo hiểm y tế hay không, thậm chí không cần biết có tiền hay không...

‘Các bệnh viện Trung ương tạo nên thương hiệu, vị thế để đối ngoại' ảnh 1 Phó Giáo sư Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Nếu xảy ra tình huống trên, việc tăng thêm nhiều cơ sở y tế với quy mô lớn có thể làm phức tạp hơn vấn đề quản trị hệ thống y tế của Thủ đô. Phó giáo sư đánh giá khả năng đáp ứng của Hà Nội sẽ ra sao khi chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương đang đóng trên địa bàn Thủ đô sẽ do Sở Y tế quản lý?

Phó giáo sư Vũ Xuân Phú: Về năng lực quản lý, hiện nay Sở Y tế Hà Nội chỉ có số cán bộ tương đương với một Vụ, Cục của Bộ Y tế, đang quản lý 42 bệnh viện tuyến thành phố và hàng trăm các trung tâm, phòng khám tư nhân khác. Riêng quản lý 42 bệnh viện và quản lý hành nghề tư nhân Hà Nội cũng đã quá tải. Nếu thêm 40 bệnh viện Trung ương nằm trên địa bàn nữa thì thực sự quá khả năng quản lý nhà nước của Hà Nội.

Với vị trí địa lý và mô hình tổ chức của các bệnh viện tuyến Trung ương như hiện nay, chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp. Nên chăng chúng ta có thể điều chỉnh y tế chuyên sâu, y tế khu vực để cho người dân ở xa khó có thể tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao có thể tiếp cận dễ dàng hơn.

- Có ý kiến cho rằng nếu đưa bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý là rất mâu thuẫn với Luật Khám chữa bệnh?

Phó giáo sư Vũ Xuân Phú: Tôi đồng ý với chủ trương chuyển các bệnh viện ra vùng ven đô để bớt chật chội, ô nhiễm nhưng việc chuyển các bệnh viện Trung ương về Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội quản lý theo địa bàn cần phải xem xét Luật Khám chữa bệnh, quy định về chức năng, nhiệm vụ của các bệnh viện nói chung và bệnh viện Trung ương nói riêng. Nếu đưa bệnh viện Trung ương về Hà Nội quản lý là rất mâu thuẫn với Luật Khám chữa bệnh.

Trong quy chế tổ chức và điều hành bệnh viện thì bệnh viện tuyến Trung ương do Bộ Y tế phê duyệt, bệnh viện tuyến tỉnh do ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Vai trò của tuyến và hạng bệnh viện được quy định trong Luật Khám chữa bệnh rất quan trọng trong việc phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Liên quan đến ngân sách hoạt động, nếu bệnh viện tuyến Trung ương do Hà Nội quản lý thì ngân sách hoạt động lấy từ Ngân sách Trung ương hay Hà Nội?

- Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành và bổ sung chỉ đạo chuyên môn cho các tỉnh, theo ông trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, các bệnh viện tuyến Trung ương đã thể hiện làm tốt vai trò của mình như thế nào?

Phó giáo sư Vũ Xuân Phú: Các bệnh viện tuyến Trung ương có vai trò thể hiện chuyên khoa mũi nhọn, đầu ngành, tập trung chuyên gia, kỹ thuật, tập trung về mặt pháp lý, thương hiệu, vị thế để đối ngoại. Các bệnh viện tuyến Trung ương ngoài việc khám chữa bệnh còn có chức năng nữa là tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng các chính sách cũng như danh mục kỹ thuật dịch vụ y tế áp dụng trên hệ thống y tế trên toàn quốc.

‘Các bệnh viện Trung ương tạo nên thương hiệu, vị thế để đối ngoại' ảnh 2Phẫu thuật bằng Robot đang được ứng dụng tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đặc biệt, vai trò của bệnh viện đầu ngành có nhiều điểm khác so với các bệnh viện tỉnh, thành phố. Bệnh viện tuyến Trung ương còn thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, chỉ đạo tuyến và đào tạo, chuyển giao công nghệ xuống tuyến dưới. Điều này liên quan đến cơ sở pháp lý, khả năng, trình độ để đảm nhiệm vị trí quan trọng này.

Còn một khía cạnh rất quan trọng, đó là việc liên quan đến vị thế đối ngoại. Đối ngoại ở đây không chỉ là giao lưu, hợp tác mà còn là thu hút nguồn lực quốc tế về Việt Nam, đầu tư vào các lĩnh vực y tế khác nhau, tiếp nhận các thành tựu khoa học của thế giới, có thẩm quyền kêu gọi các nguồn lực hợp tác quốc tế.

Để làm được điều này cũng yêu cầu cơ sở y tế phải có cơ sở vật chất, thiết bị tiên tiến và con người có trình độ cao.

Ngoài ra, Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương còn có khả năng huy động và hỗ trợ, tổng hợp các nguồn lực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch COVID-19 vừa qua.

Trong đợt dịch vừa qua, vai trò của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến Trung ương trong việc phòng chống dịch là rất quan trọng. Nếu là sở y tế tỉnh, thành phố thì không thể huy động, điều hành để khống chế đợt dịch bùng phát dữ dội như vừa qua.

Về tổ chức mạng lưới, hầu hết các bệnh viện chuyên khoa đều có ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, thành phố. Chẳng hạn như Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Lao và Phổi Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội... Riêng bệnh viện chuyên ngành phổi có 49 bệnh viện tuyến tỉnh và 3 bệnh viện tuyến Trung ương.

Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư Vũ Xuân Phú!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục