Các công ty Nhật Bản lo lắng về tác động từ bất ổn chính trị ở Myanmar

Một phần không nhỏ trong số hơn 400 công ty Nhật Bản có hoạt động tại Myanmar đã trì hoãn kế hoạch kinh doanh hoặc đánh giá lại mối quan hệ của họ tại đây, sau biến động chính trị tại quốc gia này.
Các công ty Nhật Bản lo lắng về tác động từ bất ổn chính trị ở Myanmar ảnh 1Người biểu tình tập trung tại Yangon, Myanmar phản đối việc nắm quyền lãnh đạo đất nước của các quan chức quân đội cấp cao, ngày 3/3/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi tình hình chính trị bất ổn ở Myanmar tiếp tục kéo dài, các công ty Nhật Bản đang có các dự án hay có kế hoạch sử dụng lao động từ quốc gia Đông Nam Á này đều lo lắng về tác động lâu dài của bất ổn chính trị đối với chiến lược kinh doanh của họ.

Một phần không nhỏ trong số hơn 400 công ty Nhật Bản có hoạt động tại Myanmar đã trì hoãn kế hoạch kinh doanh hoặc đánh giá lại mối quan hệ của họ tại đây, sau biến động chính trị tại quốc gia này.

Nhà sản xuất đồ uống Kirin Holdings Co. hồi tháng Hai cho biết họ sẽ chấm dứt quan hệ đối tác với Myanma Economic Holdings Public Co., một tập đoàn mà Liên hợp quốc đã xác định là thuộc sở hữu của các thành viên cấp cao thuộc quân đội Myanmar.

Viện dẫn lý do lo ngại về an toàn, công ty sản xuất ôtô Suzuki Motor Corp đã tạm dừng hoạt động tại hai nhà máy ở Yangon, trong khi việc khởi công một nhà máy mới có thể sẽ bị hoãn lại tới sau tháng Chín.

Toyota Motor Corp cũng đã trì hoãn việc xây dựng một nhà máy ôtô mới tại Đặc khu Kinh tế Thilawa gần Yangon.

Trong số các công ty Nhật Bản ở Myanmar lo ngại về tình hình hỗn loạn, công ty sản xuất mỳ ăn liền Acecook Co. đã tạm dừng sản xuất tại nước này và đưa nhân viên Nhật Bản về nước để đảm bảo sự an toàn.

Các công ty tuyển dụng lao động tay nghề cao từ Myanmar sang Nhật Bản làm việc cũng phải đối mặt với tình trạng gián đoạn.

[Myanmar lập chính phủ tạm quyền, dự kiến tổng tuyển cử vào cuối 2023]

Yamato Manufacturing Co., nhà sản xuất thiết bị làm mỳ hàng đầu có trụ sở tại tỉnh Kagawa, miền Tây Nhật Bản, đã tăng cường thuê nhân công từ Đông Nam Á nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trong khu vực.

Chủ tịch của Yamato, ông Kaoru Fujii, giải thích rằng ngày càng ít người trẻ tuổi ở Nhật Bản mong muốn trở thành kỹ sư.

Trong khi đó, các ứng viên nước ngoài, bao gồm cả những người đến từ Myanmar thường thông thạo tiếng Anh và ham học hỏi hơn so với những người lao động Nhật Bản.

Theo Hiệp hội Hợp tác song phương Myanmar-Nhật Bản, các công ty Nhật Bản vẫn muốn thuê sinh viên tốt nghiệp từ Myanmar trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật, bất chấp đại dịch COVID-19 hoành hành và bất ổn chính trị chưa chấm dứt.

Một số ngành công nghiệp trả lương thấp ở Nhật Bản, đặc biệt là ở các vùng nông thôn đông dân cư, cũng phụ thuộc nhiều vào lao động nước ngoài đến từ các quốc gia khác ở châu Á theo một chương trình được Chính phủ tài trợ có tên gọi là thực tập sinh kỹ thuật.

Mặc dù sinh viên Trung Quốc vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong số các thực tập sinh, chương trình này đã kém hấp dẫn hơn đối với họ do mức lương của lao động Trung Quốc đã trở nên ngang bằng với mức lương của những vùng ở nông thôn Nhật Bản.

Bên cạnh đó, người lao động Trung Quốc đến Nhật Bản hiện có xu hướng tìm kiếm việc làm ở các khu vực thành thị hơn.

Trong bối cảnh đó, những tổ chức tiếp nhận lao động từ Myanmar đang lo lắng liệu thực tập sinh từ nước này có thể đến Nhật Bản trong bối cảnh bất ổn chính trị hay không. Đối với nhiều công ty, họ là lực lượng lao động rất có giá trị.

Ông chủ của Yamato nhận định tình hình tại Myanmar sẽ khó có thể cải thiện nhanh chóng. Kết hợp với số ca mắc COVID-19 tăng nhanh càng làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn ở Myanmar, ông Fujii cho rằng sẽ mất vài năm để tình hình tại quốc gia này lắng xuống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục