Các cột mốc chủ quyền VN nhuộm mồ hôi và máu

Mỗi ngọn sóng, giọt nước biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam như mặn hơn vì đã hòa bởi máu của tiền nhân, của những người đã hy sinh cho biển đảo quê hương...
Trường Sa, với những đảo tiền tiêu mà ở đó, mỗi người lính là một cột mốc sống mạnh mẽ và vững vàng như cây phong ba quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất, khoảng trời quê hương. Trải qua bao nhiêu năm tháng, rất nhiều lớp người đã ngã xuống để giữ vững bình yên cho biển đảo. Hãy để máu mình nhuộm thắm cờ Tổ quốc Sau 5 ngày lênh đênh trên biển, sau cùng tàu HQ 996 cũng đến gần Len Đao, một trong ba đảo nổi trong biến cố lịch sử những ngày tháng 4 năm 1988. Từ mạn tàu nhìn lại, Len Đao vững chãi nổi trên mặt biển, hiên ngang nhìn thẳng về phía đảo Gạc Ma - một phần máu thịt của Tổ quốc đang phân ly. Đặt chân lên đảo chìm, thay vì những cái bắt tay thật chặt như vẫn thường thấy, chúng tôi mải mốt trèo lên nóc nhà, hướng mắt quan sát Gạc Ma từ ống nhòm viễn vọng. Thoáng chốc đã 25 năm Gạc Ma xa rời đất Mẹ Việt Nam. Trong cuốn “Lịch sử vùng III hải quân 1975-2005” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, hình ảnh oai hùng của người lính Hải quân nhân Việt Nam vẫn còn được ghi lại vô cùng rõ nét: "Ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ đội của ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của đối phương lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, họ đã dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ-604 ở đảo Gạc Ma, HQ-605 ở đảo Len Đao và HQ-505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất..." Trong cuộc chiến không cân sức giữa cán bộ, chiến sỹ xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh với những tàu chiến của nước ngoài có trang bị vũ khí hiện đại, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146, Trung đoàn Công binh 83 Hải quân.
Các cột mốc chủ quyền VN nhuộm mồ hôi và máu ảnh 1

Lớp lớp những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ Trường Sa (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Đó là anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội bảo vệ tàu và giữ vững ngọn cờ trên đảo đá. Đến tận lúc hy sinh, anh vẫn không quên cuốn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, hòa màu máu với màu cờ để động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng hải quân!” Đó còn là hình ảnh của anh hùng – Thuyền trưởng Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy tàu HQ – 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài chủ quyền vững chắc trên đảo... 23 năm đã trôi qua, nhưng tấm gương hy sinh của các anh vẫn chưa từng phai nhạt trong tâm trí những người ở lại. Mỗi chuyến tàu ra với Trường Sa đều dừng lại trước Gạc Ma để cùng tưởng nhớ về những ngày tháng 4 đau thương ấy. Những bông hoa cúc vàng được mọi người lần lượt thả xuống biển xanh. Những nén hương thắp vội vàng, vòng hoa trôi ngược theo sóng nước…. Máu của 64 cán bộ, chiến sỹ Hải quân trong cuộc hải chiến tại Gạc Ma đã góp phần nhuộm thắm những ngọn cờ Tổ quốc đang phần phật bay trên khắp quần đảo Trường Sa. Gửi tuổi đôi mươi  vào sóng nước... Trang sử của lực lượng Hải quân Nhân dân Việt Nam còn ghi lại những tấm gương sáng ngời của các cán bộ, chiến sỹ hải quân hy sinh ngay trong khi làm nhiệm vụ giữa thời bình. Sự ngã xuống của các anh càng khiến cho các thế hệ sau thấm thía hơn giá trị của từng tấc đất quê hương trên biển Đông. Đại tá Nguyễn Viết Nhất, Trưởng đoàn Cục chính trị Hải quân không giấu nổi nỗi nghẹn ngào khi điểm lại những tấm gương hy sinh của những người đi trước. Đó là vào một buổi chiều cuối năm 1990, bão số 10 bất ngờ đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông, sức gió giật lên trên cấp 12. Ở trên nhà giàn DK1/3 Phúc Tần, 8 cán bộ, chiến sỹ bồn chồn khi thấy sóng cuộn cao hàng mét ném thẳng vào chân công trình. Bốn bề chỉ thấy mưa trắng xóa. Gió thổi ào như muốn cuốn phăng cả nhà giàn. Dưới sự chỉ huy của Trung úy – Trạm trưởng Bùi Xuân Bổng và Thượng úy – Trạm phó chính trị Trần Hữu Quảng, cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1 đã ra sức chống chọi với cơn bão. Song, đêm đen ập xuống, bão mỗi lúc một mạnh lên, nhà giàn bị quật đổ, cuốn trôi cả 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển.
Các cột mốc chủ quyền VN nhuộm mồ hôi và máu ảnh 2

Phút mặc niệm cho những người ngã xuống (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Trạm phó Nguyễn Hữu Quảng khi ấy đã ra sức động viên đồng đội bám sát để hỗ trợ nhau chống chọi với sóng dữ đại dương. Trong cận kề giữa sự sống và cái chết, anh đã nhường chiếc phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng của mình cho người chiến sĩ yếu nhất, nhường sự sống cho đồng đội để rồi thanh thản ra đi, chiều ngày 5/12/1990. Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam cũng ghi nhớ mãi tấm gương hy sinh của các cán bộ, chiến sỹ Nhà giàn DK1/16 Phúc Nguyên trong giờ phút chống chọi với thiên tai trong trận bão năm 1998. Trước sự dung dữ và tàn khốc của bão, nhà giàn đã bị nghiêng lắc, rung chấn dữ dội. Mặc dù đã dũng cảm, kiên cường chống chọi với những trận cuồng phong giữa đêm đen mịt mùng nhưng sức người có hạn. Nhà giàn bị đổ nghiêng làm cả 9 người ở trên đều bị hất tung xuống biển. 3 cán bộ, chiến sỹ đã vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển mẹ bao la. Những người hôm nay đang bám trụ ở các nhà giàn cũng không bao giờ quên hình ảnh Liệt sỹ-Chuẩn úy Lê Đức Hồng trên Nhà giàn DK1/16. Anh đã cố gắng giữ vững thông tin liên lạc với Sở chỉ huy Quân chủng đến tận giờ phút nhà giàn đổ, để chỉ kịp gửi lời “Vĩnh biệt đất liền” trước khi anh dũng hy sinh. Trên hành trình chúng tôi đi qua hôm nay, hòa trong sóng nước của đại dương mênh mang, mỗi ngọn sóng, giọt nước của biển Đông thuộc chủ quyền Việt như mặn hơn vì đã hòa bởi máu của tiền nhân, của những người đã ngã xuống, dâng trọn tuổi xuân cho biển đảo quê hương. Các đảo nổi hầu hết đều có những nghĩa trang mini, có nơi chỉ là hai hoặc ba tấm mộ đơn sơ của những liệt sỹ ngã xuống nơi đây khi đang làm nhiệm vụ. Đó là Hoàng Đặng Hùng, khẩu đội trưởng DKZ trên đảo Đá Lớn, hy sinh khi cùng đồng đội lao ra biển cứu chiếc xuồng máy bị giông lốc cuốn trôi. Thi hài của người chiến sĩ trẻ 20 tuổi được đồng đội đưa về yên nghỉ tại góc đảo Nam Yết và mới được đưa về quê nhà Hải Phòng an táng. Đó còn là liệt sỹ Quách Hoàng Lâm (sinh năm 1984), hy sinh trong khi làm nhiệm vụ tuần tra tại đảo Đá Tây, bị giông lốc cuốn trôi lúc anh vừa tròn 22 tuổi. Là liệt sĩ Nguyễn Văn Thi đã lao ra cứu xuồng và bị dòng biển xoáy cuốn đi ngay đúng vào đêm trước sinh nhật 26 tuổi. Tất cả những người con của mẹ Việt Nam, người nằm lại trong lòng biển sâu thăm thẳm, người đơn sơ một nấm mồ trên cát trắng… đều đã góp phần dựng nên những cột mốc linh thiêng về tinh thần khẳng định chủ quyền vững vàng của Tổ quốc. Giữa giây phút vòng hoa vàng và chiếc bàn thờ đơn sơ nghi ngút khói từ từ được thả xuống biển, nhiều người trong đoàn bật khóc, ai đó đọc lên những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: “Khi hy sinh ở đảo đá Gạc Ma Các anh lấy ngực mình làm lá chắn Để một lần Tổ quốc được sinh ra Máu các anh thấm vào lòng biển thẳm Cờ Tổ quốc phất lên trong mưa đạn Phút cuối cùng đảo đá hóa biên cương Anh đã lấy thân mình làm cột mốc Chặn quân thù trên biển đảo quê hương Anh đã hóa cánh chim muôn dặm sóng Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ Nếu mẹ gặp cánh chim về từ biển Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa?" Và rồi tất cả mọi ánh mắt đều hướng về Gạc Ma, một phần máu thịt đang còn tách rời khỏi lãnh thổ thiêng liêng, lòng chung niềm nung nấu một ngày giành lại./. Bài 4: Đội đá, đạp nước xây Loa thành giữa biển Đông
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục