Các cửa hàng điện thoại di động ‘tung chiêu’ hút khách mùa dịch

Rơi vào tháng thấp điểm của việc mua sắm và trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhiều cửa hàng di động đã phải chật vật tìm cách cầm cự với nhiều "chiêu" bán hàng để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn.
Các cửa hàng kinh doanh di động đang gặp khó trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các cửa hàng kinh doanh di động đang gặp khó trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện tại, các cửa hàng kinh doanh điện thoại di động đang phải vật lộn với "cú đánh kép" khi vừa bị tác động của dịch bệnh COVID-19 cũng như bước vào mùa kinh doanh thấp điểm... Trong khi các hãng điện thoại lớn hạn chế ra mắt các model mới, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nhiều cửa hàng đã phải "tự cứu lấy mình," với việc tung ra hàng loạt chiêu khuyến mại hấp dẫn đồng thời tăng cường kênh bán online để duy trì doanh số.

Chiều "thượng đế," giảm giá sâu

Theo khảo sát của phóng viên, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng Tư đến nay, hầu hết cửa hàng di động ở Hà Nội đều ghi nhận doanh số giảm khoảng 40-50% so với ngày thường, thậm chí có ngày lên đến 70%. Do vậy, nhiều cửa hàng đã chủ động điều chỉnh giá sản phẩm để kích cầu. Cá biệt, những mẫu iPhone đời mới đang được giảm giá khá sâu, thu hút nhiều khách hàng quan tâm mua sắm.

Anh Hải (Hoàng Mai, Hà Nội) đang thanh toán chiếc iPhone 11 64GB giá 13,9 triệu đồng tại cửa hàng điện thoại phố Thái Hà cho biết do đợt này giá điện thoại đang giảm khá mạnh nên anh quyết định xuống tay sắm điện thoại mới.

“Thời điểm này các cửa hàng đang bắt đầu giảm giá các loại model của iPhone khá sâu, sau một hồi nghiên cứu các mẫu giá, tôi chọn mua iPhone 11 vì giá thành phải chăng, phù hợp với mức giá dưới 15 triệu đồng,” anh Hải nói.

Đây cũng là tâm lý chung của không ít người tiêu dùng trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp khiến người ta càng phải “thắt chặt hầu bao.” Hầu hết, các mẫu điện thoại có giá từ 6-15 triệu đồng đang được khách hàng quan tâm nhiều hơn cả, thay vì những mẫu điện thoại cao cấp có giá hơn 20 triệu đồng. Điều này cho thấy thói quen mua sắm điện thoại của người dùng đang dần thay đổi.

Theo anh Tuấn Anh, đại diện chuỗi cửa hàng Shopdunk cho biết khách hàng Apple đã bắt đầu chuyển dịch sang các dòng sản phẩm có giá thấp hơn, thể hiện rõ nhất ở iPhone. Nếu trước kia, iPhone 12 Pro Max là mặt hàng bán chạy nhất thì nay doanh số đã giảm mạnh khoảng 40% do đây là sản phẩm đắt tiền nhất của Apple. Thay vào đó, doanh số iPhone 11 lại tăng vọt vì có 2 nguyên nhân: Thứ nhất, sản phẩm này vừa được giảm giá mạnh từ mức hơn 15,5 triệu đồng xuống còn 13,9 triệu đồng/chiếc cho bản 64GB. Thứ hai, việc giảm giá mạnh khiến cho giá của iPhone 11 xuống phân khúc cận cao cấp, phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng hơn.

“Chỉ sau 1 tuần giảm giá, cửa hàng chúng tôi đã có hơn 800 máy bán ra và gần 2.000 đơn đặt hàng, hiện tượng cháy hàng mất 2,3 ngày. Dự kiến trong tháng này, doanh số của iPhone 11 có thể vượt iPhone 12 Pro Max và thành model bán chạy nhất,” anh Tuấn Anh thông tin.

Các cửa hàng điện thoại di động ‘tung chiêu’ hút khách mùa dịch ảnh 1Mẫu iPhone 11 đang thu hút nhiều người tiêu dùng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ riêng iPhone, các sản phẩm bán chạy không kém trong dịp này tại các cửa hàng đó là các thiết bị tablet, smartphone màn hình lớn, pin khỏe, camera rõ nét, có giá tốt để đáp ứng cho nhu cầu học tập online và làm việc từ xa của người tiêu dùng trong giai đoạn giãn cách, dịch bùng phát.

Trong khi đó, tại các cửa hàng của Cellphones, các sản phẩm điện tử nói chung đang được giảm giá khá sâu, từ 10-40% tùy loại. Gần đây nhất, các cửa hàng đồng loạt giảm giá các mẫu iPhone, mức giảm từ 700 nghìn đến 3 triệu đồng cho hầu như tất cả model, giá iPhone 12 mini chỉ còn 15,8 triệu đồng/chiếc (giá cũ 18,9 triệu đồng); iPhone 12 Pro Max được giảm còn 28,9 triệu đồng/chiếc (giá cũ 30 triệu đồng). Các mẫu điện thoại Galaxy của Samsung, điện thoại Oppo, Vivo hay Xiaomi cũng đều được giảm giá từ 500 nghìn-1,5 triệu đồng/chiếc để kích thích mua sắm...

Theo chia sẻ của các chủ cửa hàng điện thoại di động tại Hà Nội, khách hàng thường tìm mua đến các sản phẩm tầm giá dưới 15 triệu đồng như iPad Gen 8 (khoảng 8 triệu đồng), iPad 4 (14.5 triệu đồng), Galaxy Tab S7 FE (13,9 triệu đồng), điện thoại Samsung Galaxy A72 (10 triệu đồng), Xiaomi Note 10 Pro (6,45 triệu đồng)…

Đẩy mạnh bán hàng trực tuyến

Để tự cứu mình, các cửa hàng và hệ thống bán lẻ cũng nhanh chóng đưa ra hàng loạt giải pháp để cải thiện doanh số bán hàng trong thời điểm này, trong đó đặt biệt là đẩy mạnh các kênh bán hàng online cùng với các khuyến mại, dịch vụ giá trị gia tăng chăm sóc khách hàng.

Cụ thể hệ thống cửa hàng Shopdunk đã triển khai dịch vụ giao hàng tận nơi siêu tốc trong 1 giờ; khi đi giao hàng, nhân viên vẫn mang thêm các phụ kiện từ ốp, sạc cho tới kính cường lực để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, cửa hàng tặng thêm voucher giảm giá từ 200.000đ để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.

Còn tại chuỗi cửa hàng hệ thống FPT shop, hàng loạt ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng chọn mua online như giảm giá đến 50%, trả góp 0%, giảm giá thêm khi thanh toán qua các ví điện tử, miễn phí vận chuyển...

Những cửa hàng kinh doanh nhỏ hơn thì linh động tặng thêm các gói bảo hành hoặc đẩy mạnh hình thức livestream trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội để tăng tương tác và trực tiếp bán hàng.

Các cửa hàng điện thoại di động ‘tung chiêu’ hút khách mùa dịch ảnh 2Các cửa hàng di động nói chung đang liên tục đưa ra các giải pháp kinh doanh để thích ứng trước tình hình khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo chia sẻ của các cửa hàng, biện pháp này phần nào phát huy hiệu quả khi các đơn hàng online tăng lên rõ rệt. Đại diện của FPT Shop cho biết lượng đơn hàng online tăng 14-20% trong những ngày này.

“Mảng kinh doanh online quý 2/2021 tăng trưởng 39,7% so cùng cùng kỳ năm 2020. Đây là 1 trong các yếu tố quan trọng giúp FPT shop duy trì ổn định tình hình kinh doanh khi khách chuyển hướng sang đặt online để đảm bảo giãn cách. Có những ngày cao điểm, tỷ trọng doanh thu online đã chiếm từ 60-70% toàn hệ thống,” đại diện FPT shop cho biết.

Mặc dù vậy, đại diện nhiều cửa hàng thừa nhận đây là một trong những giai đoạn kinh doanh khó khăn nhất trong nhiều năm làm nghề của họ.

"Chúng tôi cũng như một số ngành kinh doanh khác đã cố gắng cầm cự trong hơn một năm qua. Dịch càng kéo dài, doanh số đi xuống như hiện tại thì chúng tôi càng ‘cạn lực’," anh Quân, chủ một chuỗi cửa hàng di động chia sẻ.

[Hội chợ di động toàn cầu 2021 trở lại với quy mô nhỏ hơn mọi năm]

Với diễn biến hiện tại, chưa có dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh của các cửa hàng di động sẽ sớm khởi sắc trở lại. Do vậy, nhiều cửa hàng đành phải tiếp tục đưa ra các chiến lược khác nhau để “cố trụ” cho tới khi dịch COVID-19 lắng xuống, người dùng sẽ "mua sắm bù" cho giai đoạn xuống dốc hiện tại.

“Thị trường trong thời gian nửa cuối năm sẽ rất khó đoán định, vì tình hình dịch bùng phát trở lại phức tạp. Do đó, chúng tôi chuẩn bị sẵn việc kinh doanh theo nhiều kịch bản để chủ động ứng phó thay vì chờ đợi,” đại diện FPT Shop nhận định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục