Các địa phương cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động

Theo Cục Việc làm, các địa phương cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin có liên thông, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động đảm bảo độ tin cậy, phát huy hiệu quả.
Các địa phương cần sớm xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động ảnh 1(Nguồn: TTXVN)

Trong 2 ngày 3 và 4/3, tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Cục Việc làm (Bộ Lao đông Thương binh và Xã hội) đã tổ chức hội thảo về thông tin thị trường lao động phục vụ phân tích và dự báo về nhu cầu lao động.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện các đơn vị liên quan thuộc bộ, các chuyên gia trong nước và quốc tế, trung tâm dịch vụ việc làm 63 tỉnh, thành phố.

Tại hội thảo, Tiến sỹ Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết thông tin thị trường lao động là rất quan trọng đối với cả Chính phủ, các địa phương, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động, vì vậy việc xây dựng cơ sở dữ liệu là rất cần thiết.

[Sẽ tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về công chức với dân cư, bảo hiểm]

Hiện Cục đang tiến hành xây dựng và đề nghị các địa phương cũng sớm triển khai. Các địa phương cần sớm lập các sàn giao dịch việc làm để tập trung thông tin có liên thông với nhau, đồng thời xây dựng cơ chế hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường, chuyên gia để xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động đảm bảo độ tin cậy, đồng thời phát huy hiệu quả của các cơ sở dữ liệu này.

Theo Tiến sỹ Vũ Trọng Bình, việc xây dựng, số hóa cơ sở dữ liệu thị trường lao động sẽ giúp các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị quản lý hiệu quả thị trường lao động; nắm bắt được cung-cầu, những biến động để phân tích, dự báo sát; xây dựng hợp lý chính sách việc làm, chính sách hỗ trợ, kế hoạch, giải pháp, cũng như các cơ chế khuyến khích cho doanh nghiệp, tư nhân phát triển…

Doanh nghiệp nắm bắt được để có kế hoạch xây dựng dựng kỹ năng quản lý, quy mô vị trí việc làm, củng cố, nâng cao chất lượng lao động và người lao động biết được nhu cầu, việc làm phù hợp.

Hội thảo được chia làm 4 phiên với tổng cộng 20 báo cáo tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước, các trung tâm dịch vụ việc làm theo các chủ đề gồm nhu cầu và tình hình sử dụng thông tin về nhu cầu lao động/kỹ năng tại Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về nhu cầu và tình hình sử dụng thông tin về nhu cầu lao động/kỹ năng và các đề xuất cho Việt Nam; kinh nghiệm quốc tế về khai thác và sử dụng dự liệu lớn về vị trí việc làm trực tuyến; nhu cầu của người dùng về hệ thống khai thác và cung cấp dữ liệu lớn về vị trí việc làm trực tuyến của Việt Nam (hệ thống OJV)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục