Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Phú Thọ thống nhất phương án tiêm phòng vaccine cho trẻ từ 15-17 tuổi trong khi Hải Dương hỗ trợ huyện Ninh Giang chống dịch COVID-19, Tây Ninh dừng các hoạt động không thiết yếu từ 0 giờ ngày 22/11.
Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 1Phun khử khuẩn lớp học tại Việt Trì, Phú Thọ. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các địa phương như Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Tây Ninh, Bạc Liêu đã có những biện pháp ứng phó phù hợp.

Phú Thọ thống nhất phương án tiêm vaccine cho trẻ từ 15-17 tuổi

Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ, từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 20/11, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 17 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 10 trường hợp là từ đối tượng F1 hoặc người trong vùng phong tỏa, đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 7 trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng đều ở huyện Lâm Thao (đều là các F1 vừa được phát hiện thông qua điều tra, truy vết).

Trong 24 giờ qua, tỉnh ghi nhận 33 ca nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm: Việt Trì có 12 ca, Lâm Thao 8 ca, Thanh Sơn 7 ca, Thanh Thủy 2 ca, Tam Nông 2 ca, thị xã Phú Thọ 1 ca, Tân Sơn 1 ca.

Từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh ghi nhận 1.494 ca mắc COVID-19, trong đó 1.018 nhân đã khỏi bệnh và ra viện.

Hiện nay toàn tỉnh Phú Thọ đang duy trì cấp độ 2 về dịch với số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 3,61 ca/100.000 dân/tuần.

Tỉnh có 87,6% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.

Sở Y tế Phú Thọ vừa thông nhất phương án sẽ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 15-17 tuổi trong các ngày 25-26/11; phấn đấu đến hết ngày 31/12 đảm bảo tiêm phủ toàn bộ cho trẻ từ 12-17 tuổi khi được Bộ Y tế phân bổ đủ vaccine.

Tỉnh có 48.528 trẻ là học sinh trung học phổ thông từ 15-17 tuổi và đang được quản lý tại các cơ sở giáo dục; có khoảng 5.000 trẻ vãng lai tại các huyện, thị xã, thành phố; số đối tượng này đang chờ Sở Y tế chuẩn bị phân bổ vaccine đợt 32.

Tỉnh phấn đấu đến hết tháng 12/2021 sẽ có 100% trẻ em từ 12-17 tuổi được tiêm vaccine COVID-19.

Hưng Yên đảm bảo an toàn chống dịch COVID-19 tại khu phong tỏa

Đến ngày 20/11, toàn tỉnh Hưng Yên có 29 điểm bị phong tỏa tạm thời nhằm phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương luôn đảm bảo an sinh, an ninh-trật tự cho người dân.

Cụ thể, huyện Khoái Châu đang phong tỏa 4 điểm, huyện Kim Động có 3 điểm, huyện Văn Lâm có 7 điểm, huyện Ân Thi có 1 điểm, thành phố Hưng Yên có 5 điểm. Các huyện Phù Cừ, Yên Mỹ, Văn Giang và thị xã Mỹ Hào cùng có 2 điểm phong tỏa. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên phong tỏa 2 khoa.

Trong đợt dịch thứ tư từ ngày 29/4 đến nay, tỉnh Hưng Yên ghi nhận 545 ca mắc COVID-19. 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, cách ly và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tổ chức đánh giá cấp độ dịch từ cấp xã trở lên.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người," phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang thực hiện khoanh vùng, cách ly phòng, chống dịch mà không được phép.

Đồng thời, tỉnh Hưng Yên tăng cường công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 đảm bảo nhanh, an toàn, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng; triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi theo đúng tiến độ của Bộ Y tế.

Hải Dương hỗ trợ huyện Ninh Giang chống dịch COVID-19

Từ ngày 11/11, dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Khởi phát từ xã Tân Phong, đến nay, huyện đã ghi nhận 156 trường hợp mắc COVID-19, chiếm hơn 50% tổng số ca mắc của tỉnh Hải Dương tính từ ngày 12/10.

Trước diễn biến phức tạp của dịch, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương quyết định thành lập thêm 2 cơ sở trực thuộc Trung tâm Y tế huyện để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 220 giường bệnh.

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu tạm thời phong tỏa nghiêm ngặt xã Tân Phong; tập trung lấy mẫu xét nghiệm để khoanh vùng dập dịch; đánh giá tình hình dịch bệnh, đưa ra phương án mở rộng hoặc thu hẹp khu phong tỏa.

Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Giang thành lập tổ công tác của huyện chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân thông qua các tổ công tác của xã, của thôn để đảm bảo đời sống của nhân dân trong các khu phong tỏa.

Huyện Ninh Giang tiếp tục siết chặt công tác phòng, chống dịch COVID-19; kiểm soát chặt chẽ người về từ tỉnh ngoài. Huyện cũng kích hoạt toàn bộ, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp xã, Tổ giám sát, tuyên truyền phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng; huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch bệnh.

Các lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, giám sát, xử lý các tổ chức, cá nhân không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định trong phòng chống dịch bệnh. Ủy ban Nhân dân huyện Ninh Giang kiện toàn lực lượng và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm tại các xã, thôn nhắm đảm bảo lấy mẫu nhanh, an toàn, tuyệt đối không để lây nhiễm trong quá trình lấy mẫu...

Từ ngày 17 đến ngày 19/11, ngành y tế Hải Dương cũng đã quyết định biệt phái 14 cán bộ y tế, bác sỹ, điều dưỡng đến Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương, ngày 20/11, tỉnh này ghi nhận thêm 14 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 gồm 7 trường hợp là F1 đã được cách ly trước đó và 7 trường hợp đi từ các vùng có dịch về.

Tính từ ngày 12/10 đến 16 giờ ngày 20/11, tỉnh Hải Dương ghi nhận 384 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 60 trường hợp có yếu tố dịch tễ trở về từ các nơi có dịch như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Hà Nội… và 217 trường hợp là F1 của những ca bệnh này. Toàn tỉnh Hải Dương hiện có 21.592 trường hợp đang thực hiện cách ly.

Tây Ninh dừng các hoạt động không thiết yếu từ 0 giờ ngày 22/11

Ngày 20/11, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong đã ký ban hành văn bản về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, từ 0 giờ ngày 22/11, tỉnh sẽ tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ đối với quán bar, karaoke, vũ trường, massage, internet, trò chơi điện tử trên toàn địa bàn tỉnh.

Các cơ sở dịch vụ ăn, uống không tiếp quá 20 người cùng một thời điểm; không phục vụ rượu, bia, thức uống có cồn và đảm bảo giãn cách 1,5m giữa người với người, thực khách phải tuân thủ nguyên tắc 5K.

Các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao; cưới, hỏi, hiếu hỷ, tang chế; nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng không bị cấm nhưng chỉ được tổ chức ở quy mô quá 20 người cùng một thời điểm và đảm bảo tuân thủ nguyên tắc 5K. Nếu sự kiện nào phải tiếp nhận hơn 20 người trong cùng một thời điểm thì phải được sự cho phép của Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc 5K; tăng cường họp trực tuyến, bảo đảm giãn cách 1,5m giữa người với người nếu tổ chức họp trực tiếp và không được có quy mô quá 30 người (nếu hơn 30 người thì phải có sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố nơi tổ chức hội nghị) và không tổ chức liên hoan, giao lưu.

Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Tây Ninh cho biết từ đầu mùa dịch đến nay, Tây Ninh đã ghi nhận 20.157 ca mắc COVID-19, trong đó 6.970 bệnh nhân đang được điều trị, có 206 ca tử vong.

Bạc Liêu tăng cường chống dịch COVID-19 do số F0 cộng đồng tăng cao

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã quyết định siết chặt một số hoạt động trên địa bàn tỉnh từ ngày 21/11.

Cụ thể, tỉnh Bạc Liêu không tổ chức các hoạt động (kể cả trong nhà và ngoài trời) có tập trung trên 10 người (ngoài phạm vi công sở, cơ sở y tế, điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, cơ sở sản xuất, kinh doanh). Đám cưới, đám tang chỉ được tổ chức ở quy mô gia đình và trong một thời điểm không được tập trung quá 10 người.

Chỉ những đối tượng sau đây mới được phép ra khỏi nhà/nơi lưu trú: người đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng; người đã tiêm đủ 2 liều vacine (không kể thời gian tiêm); người đã tiêm 1 liều vaccine trên 14 ngày; người đi tiêm vaccine.

[Cả nước ghi nhận 9.531 ca mắc mới COVID-19 và 107 ca tử vong]

Từ 20 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, người dân không được ra đường, trừ các trường hợp có yêu cầu công vụ hoặc yêu cầu chống dịch; cấp cứu y tế; xử lý các sự cố khẩn cấp (về điện, nước, cứu hỏa, cứu thương, thông tin liên lạc, giao thông, đê điều, ...); công nhân đi làm ca đêm về.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh thì ngoài việc chấp hành các quy định nêu trên còn phải thực hiện nghiêm các yêu cầu: không được tự ý ra khỏi địa bàn tỉnh khi chưa có sự cho phép của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương mình công tác; không đến nơi tập trung đông người (trên 10 người).

Các cơ sở, quán ăn, uống, nhà hàng (kể cả nhà hàng trong các khách sạn) chỉ được bán đồ mang về và chỉ được phép hoạt động từ 4 giờ sáng đến 19 giờ đêm hằng ngày.

Chợ truyền thống, chợ đầu mối phải thực hiện quy định về giãn cách, giao dịch an toàn, bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa hai người kế cận; triển khai phân luồng một chiều lối vào và lối ra riêng biệt và kiểm soát, hạn chế số lượng khách ra, vào để tránh ùn ứ, tạo vách ngăn giữa các quầy hàng và giữa người bán với khách hàng.

Nhân viên, tiểu thương, người bán hàng được tham gia hoạt động phải đảm bảo các điều kiện: người đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng, người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine; người đã tiêm 1 liều vaccine trên 14 ngày. Những người không đáp ứng một trong các điều kiện nêu trên thì không được tham gia hoạt động kinh doanh, phục vụ.

Người dân được đi chợ tối đa 2 lần/tuần khi đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng, người đã được tiêm đủ 2 liều vaccine; người đã tiêm 1 liều vaccine trên 14 ngày; người được tiêm 1 liều vaccine dưới 14 ngày thì chỉ được đi chợ tối đa 1 lần/tuần.

Những người chưa tiêm vaccine thì không được đi chợ. Chính quyền cấp xã cấp phát thẻ đi chợ và tổ chức đi chợ hộ hoặc các hình thức khác phù hợp cho người dân trên địa bàn khi có yêu cầu.

Các địa phương tăng cường biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 ảnh 2Tiêm vaccine cho học sinh tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN)

Bạc Liêu tạm dừng các hoạt động vũ trường, karaoke, mát xa, quán bar, internet, trò chơi điện tử; dịch vụ làm tóc, cắt tóc, làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều giao thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ địa bàn, đảm bảo việc tuân thủ đúng, đủ, triệt để các quy định phòng chống dịch, trong đó phải thành lập các tổ, đội tuần tra kiểm soát lưu động (cấp huyện, cấp xã) liên tục đi kiểm tra các địa bàn (nhất là các ngõ hẻm, chợ) để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng cường các hình thức làm việc trực tuyến, nhất là họp trực tuyến, giảm tương tác tiếp xúc trực tiếp. 

Bạc Liêu tiếp tục áp dụng mức dịch ở cấp độ 3 - “nguy cơ cao” (vùng cam). Trong 24 giờ qua tỉnh có 345 ca mắc mới; 6 ca tử vong. Tỉnh đã tiêm vaccine mũi 1 cho 62.564 trẻ em từ 12-17 tuổi); số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 đạt 94,02%, tiêm mũi 2 đạt 62,5%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục