Các địa phương từng bước phục hồi du lịch sau dịch COVID-19

Các địa phương cũng như doanh nghiệp dịch vụ du lịch xác định dòng khách nội địa với quy mô gia đình, nhóm nhỏ là dòng khách chủ yếu trong thời điểm phục hồi sau dịch COVID-19.
Các địa phương từng bước phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 ảnh 1Khách đến Sa Pa còn thưa vắng trong dịp nghỉ lễ. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Sau thời gian dài phải tạm nghỉ do dịch COVID-19, các địa phương đang từng bước phục hồi, phát triển du lịch.

Lào Cai đồng loạt giảm giá kích cầu

 Từ ngày 28/4, tỉnh Lào Cai đã mở cửa trở lại các điểm, khu du lịch đón khách tham quan. Các điểm, khu du lịch tại địa phương đã và đang thực hiện các các biện pháp kích cầu thu hút du khách, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Tuy vậy, ưu tiên hàng đầu của du lịch Lào Cai là sự an toàn của du khách và cộng đồng.

Thị trường du lịch Sa Pa (Lào Cai) thời gian qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Lượng du khách sụt giảm tới 50% trong tháng 3 và 100% trong tháng 4.

Sau thời gian giãn cách xã hội, Khu du lịch quốc gia Sa Pa đã chính thức mở cửa trở lại từ ngày 28/4, kịp thời phục vụ du khách tham quan dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Một chương trình kích cầu du lịch rộng khắp đang được Ủy ban Nhân dân thị xã Sa Pa phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Sa Pa và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan tổ chức. Đồng loạt các khách sạn, homestay, hãng xe du lịch trên địa bàn thị xã Sa Pa, các điểm đến tham quan du lịch như Khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã giảm giá dịch vụ từ 30-60%.

Riêng Khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã đón khách trở lại từ ngày 28/4 và triển khai chương trình ưu đãi giảm 60% giá vé cáp treo Fansipan cho du khách 6 tỉnh Tây Bắc gồm: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Hòa Bình.

Đại diện Khu du lịch Sun World Fansipan Legend cho biết thời gian tới, khu du lịch sẽ tiếp tục triển khai những gói kích cầu lớn và hấp dẫn dành cho du khách toàn quốc.

Theo ông Tô Bá Hiếu - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Sa Pa, việc thực hiện các chương trình kích cầu là cần thiết để từng bước làm "ấm" trở lại thị trường du lịch Sa Pa nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung, cũng như giải quyết việc làm cho nhân lực ngành du lịch, tái khởi động và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh và ổn định xã hội theo đúng Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cần Thơ triển khai 4 giải pháp trọng tâm

 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch số 1051 về việc phục hồi, phát triển ngành du lịch sau dịch COVID-19, với những dự báo về thị trường, các kịch bản ưu tiên và 4 giải pháp trọng tâm.

Theo dự báo, khả năng khách du lịch quốc tế chỉ có thể quay lại Việt Nam từ cuối quý 4 năm 2020 hoặc đầu năm 2021 bởi hiện tại các quốc gia trên thế giới đang có dịch bệnh. Thành phố Cần Thơ sẽ hướng tới khách nội địa, đặc biệt là khách hàng trẻ tuổi.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết trong năm nay, Cần Thơ ưu tiên thị trường nội địa, tập trung vào các thị trường gần như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương ở xa hơn như Hà Nội, Đà Nẵng và các tỉnh có đường bay nối kết với thành phố Cần Thơ.

Ưu tiên tiếp theo là các thị trường quốc tế trọng điểm có gắn kết đường bay với thành phố Cần Thơ như: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan ... tuy nhiên vẫn phải chờ đợi tình hình dịch bệnh tại các quốc gia, vùng lãnh thổ này ổn định.

Các giải pháp trọng tâm của ngành du lịch thành phố Cần Thơ là phối hợp với các sở, ngành chức năng để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động kinh doanh đối với ngành du lịch; đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố tổ chức đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp...

Sau khi hỗ trợ, khôi phục lại các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp du lịch, ngành tăng cường công tác hoạt động truyền thông với chủ đề "Cần Thơ là điểm đến an toàn, thân thiện và chất lượng," trong đó trước tiên là điểm đến an toàn.

Ngành du lịch thành phố tập trung triển khai văn bản của Tổng cục Du lịch ban hành ngày 29/4, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch.

[Du lịch Việt Nam 'khởi động' sau thời gian 'ngủ đông' vì dịch COVID-19]

Những đơn vị thực hiện tốt các tiêu chí hướng dẫn (sẽ được sở công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng) là các doanh nghiệp đảm bảo điều kiện an toàn trong kinh doanh du lịch tại Cần Thơ để từ đó hình thành bản đồ du lịch an toàn của thành phố, tiến tới triển khai Chương trình kích cầu du lịch của Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và sụt giảm nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19. Trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu lưu trú, ăn uống và du lịch giảm 31,4% so với cùng kỳ. Thành phố có 82/285 cơ sở lưu trú du lịch đóng cửa (trong đó có 16/21 cơ sở được xếp từ 3-5 sao), khách lưu trú quốc tế giảm 68,2%, đưa khách đi nước ngoài giảm 76,3%, lữ hành nội địa giảm 74,4%...

Lâm Đồng ưu đãi hỗ trợ du lịch

Ngay sau khi Chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, ngành du lịch Lâm Đồng đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Theo thông tin từ Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt, trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng khách từ các tỉnh, thành trong cả nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tại địa phương tăng đột biến, lên tới 76.685 lượt du khách.

Tuy nhiên, nếu so sánh với số liệu của kỳ nghỉ năm ngoái (28/4-1/5/2019), thành phố Đà Lạt đón 113.250 lượt du khách, với trên 7.700 lượt khách quốc tế, thì lượng khách trong kỳ nghỉ vừa qua đã giảm tới 36.565 lượt người.

Ngành du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Lâm Đồng. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thành phố Đà Lạt cùng với một số địa phương trong tỉnh đã phải chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều khách sạn thua lỗ, phải đóng cửa theo quy định và phải cho nhân viên nghỉ việc…

Các địa phương từng bước phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 ảnh 2Nhiều gia đình đưa cả trẻ em tới nghỉ dưỡng tại thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN)

Trước tình hình này, tỉnh Lâm Đồng đã triển khai những hướng đi mới nhằm kích cầu, tạo điều kiện cho du lịch phát triển trở lại. Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng cũng đã có ý kiến chỉ đạo các cơ quan Thuế, Tài chính có chính sách hỗ trợ giảm thuế cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực du lịch; có những chính sách ưu đãi về vốn vay, trong đó có cho vốn vay mới, giãn nợ vốn vay, giảm lãi suất vay... để ngành du lịch tỉnh sớm vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Thừa Thiên-Huế: Những tín hiệu tích cực

Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ước tính có hơn 12.500 lượt du khách đã đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đây là tín hiệu tích cực để ngành du lịch của địa phương khởi động giai đoạn phục hồi sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong số khách du lịch đến địa phương dịp này có tới 3.600 người lựa chọn lưu trú, chủ yếu là khách từ thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh Bắc miền Trung, đi theo hình thức nhóm gia đình. Nhiều khu nghỉ dưỡng ở bãi biển Thuận An, Lăng Cô có công suất khách đặt phòng từ 30-50%.

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mở cửa miễn phí cho du khách đến tham quan tại các điểm di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế từ ngày 30/4-7/5.

Công tác phòng, chống dịch cũng được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện một cách nghiêm túc. Những du khách ngoại tỉnh phải thực hiện khai báo y tế trước khi vào tham quan các điểm di tích; tất cả du khách đều được đo thân nhiệt và bắt buộc rửa tay bằng nước diệt khuẩn ngay tại cửa vào, nhân viên Trung tâm thường xuyên nhắc nhở du khách phải đeo khẩu trang và chủ động phân luồng du khách nhằm hạn chế tập trung đông người.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19 sẽ tập trung vào thị trường khách nội địa. Từ tháng 5 đến cuối năm 2020, tỉnh sẽ có nhiều đợt giảm sâu giá vé tham quan các điểm di tích nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến khám phá mảnh đất, văn hóa, con người xứ Huế.

Tỉnh cũng dự kiến tổ chức Hội nghị lữ hành toàn quốc để kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh lưu trú và dịch vụ du lịch, qua đó giới thiệu Huế là một điểm đến an toàn với nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn dành cho du khách trong nước.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, Festival Huế lần thứ XI năm 2020 sẽ được tổ chức từ ngày 28/8-2/9 theo kế hoạch, tuy nhiên sẽ có sự thay đổi về quy mô lễ hội để phù hợp với điều kiện thực tế.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đã ban hành các bộ tiêu chí về điểm tham quan, cơ sở dịch vụ du lịch an toàn, doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú an toàn. Tỉnh sẽ sớm ban hành Đề án phục hồi, kích cầu phát triển du lịch giai đoạn 2020-2021.

Khu vực Nam Bộ: Đổi mới, nâng chất sản phẩm du lịch

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua cũng là thời điểm đánh dấu sự trở lại của các hoạt động du lịch tại nhiều địa phương khu vực Nam Bộ khi dịch COVID-19 đã được kiểm soát.

Hoạt động trở lại trong bối cảnh vừa đảm bảo an toàn phòng chống  dịch bệnh, vừa từng bước thu hút du khách, các doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, các đơn vị quản lý, khai thác điểm đến chú trọng cải tiến, nâng chất nhiều sản phẩm, tạo đà cho những bước phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Theo thông tin từ  ngành du lịch các tỉnh, thành như Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu…, những ngày đầu tháng 5, cùng với việc đón du khách trở lại, các điểm đến tại địa phương đều tuân thủ biện pháp phòng dịch COVID-19 như nhắc nhở du khách đeo khẩu trang, thực hiện các biện pháp vệ sinh, rửa tay sát khuẩn, không tập trung lượng khách quá đông trong cùng một thời điểm.

Các doanh nghiệp dịch vụ du lịch cũng xác định dòng khách nội địa với quy mô gia đình, nhóm nhỏ là dòng khách chủ yếu trong thời điểm này. Vì vậy, nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch được doanh nghiệp tập trung hoàn thiện kịp thời đưa vào khai thác theo hướng phù hợp với đối tượng du khách này.

Với ưu điểm không gian thoáng đãng, trong lành, nhiều vườn cây trái đang vào mùa thu hoạch, tại các tỉnh, thành như Bến Tre, Tiền Giang, Cần Thơ, nhiều hoạt động du lịch đã được khởi động trở lại với du khách chủ yếu đến từ các địa phương lân cận trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

Theo các chuyên gia, nhằm thu hút du khách trở lại sau thời gian tạm gián đoạn để phòng chống dịch bệnh, điểm mấu chốt đối với các điểm đến chính là đổi mới, đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch gắn với các hoạt động kích cầu một cách phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục