Các doanh nghiệp lớn cam kết đưa giá thịt lợn về ngưỡng 80.000 đồng

Các doanh nghiệp hạt nhân đã bày tỏ cam kết sẽ tăng cường cung ứng thịt lợn ra thị trường từ nay đến Tết Nguyên đán để kéo giá thịt lợn về ngưỡng 80.000 đồng/kg.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/12 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy sản xuất đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.

Hiện nay, chăn nuôi phát triển với quy mô rất lớn, cả gia cầm, đại gia súc cũng như sự mở rộng tái đàn lợn sau khi dịch tả lợn châu Phi đã được khống chế và giảm dần mức thấp nhất thiệt hại. Đây cũng là thời điểm gia tăng việc buôn bán vận chuyển gia súc, gia cầm sống phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán.

Do vậy, hội nghị tập trung thảo luận các nhóm giải pháp để thúc đẩy nhanh việc tái đàn một cách an toàn, bền vững; đảm bảo góp phần tích cực nhất trong việc giữ giá thực phẩm hợp lý, không xáo trộn quá lớn làm ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng cũng sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định trong tái đàn chăn nuôi doanh nghiệp là “hạt nhân” với vai trò vừa là người dẫn dắt về giá con giống, cung cấp quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Bởi lượng con giống và lợn nái hiện nay chủ yếu chủ yếu tập trung là cơ sở chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn với đàn lợn giống cụ, kỵ, ông, bà là 109.000 con và 2,7 triệu lợn nái.

Trong tái đàn các doanh nghiệp phải cung ứng những sản phẩm tốt nhất, đặc biệt là trong kỹ thuật về an toàn sinh học, phổ biến đến bà con chăn nuôi, những điểm vệ tinh của các công ty, kể cả những điểm mua giống của các doanh nghiệp..

Riêng về giá thịt lợn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các doanh nghiệp thống nhất cùng nhau để đưa ra mức giá tích cực nhất, hợp lý nhất, với phương châm bền vững, hướng tới mở rộng thị trường xuất khẩu chứ “không chỉ lo mỗi cái Tết Canh Tý 2020 trước mắt.”.

"Kinh doanh thì văn hóa mới là cái trường tồn chứ đừng 'tham bát bỏ mâm,' thu lợi trong ngắn hạn," Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị các tỉnh, thành quyết liệt chỉ dạo phòng chống dịch trên tất cả các loại vật nuôi, đặc biệt lưu ý tới khâu tiêu độc khử trùng, hướng tới an toàn sinh học.

“Các địa phương tập trung chỉ đạo tốt nhất đối với tái đàn lợn, hướng dẫn thật kỹ, đối với hộ, trang trại thì nơi nào đủ điều kiện mới tái đàn còn chủ lực thì vẫn là các doanh nghiệp lớn. Chú ý cả khâu lưu thông, thương mại không để các trường hợp tận dụng cơ hội này để trục lợi. Cùng đó, với mật độ đàn như hiện nay chú ý khâu tiêm phòng triệt để đối với các loại gia súc gia cầm, không được chủ quan, kể cả đối với những vật nuôi như chó, mèo…,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, qua báo của các địa phương nhìn chung tình hình dịch tả lợn châu Phi cũng đã có dấu hiệu suy giảm ở nhiều địa phương, một số địa phương cũng đã bắt đầu thực hiện việc tái đàn lợn, chủ động trong việc cung ứng nguồn cung thực phẩm đảm bảo đủ cho tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết.

Ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến nay, Thanh Hóa vẫn đảm bảo được nguồn cung trong tỉnh và một phần cung cấp cho các địa phương lân cận. Về nguồn thực phẩm từ lợn và sản phẩm thịt lợn trước sức ép về giá thời điểm hiện nay, quan điểm của tỉnh là khuyến khích tái đàn đối với những cơ sở chăn nuôi, gia trại đủ điều kiện an toàn dịch bệnh.

“Người dân chăn nuôi nhỏ lẻ khi tái đàn tự phát có thể gây tác dụng ngược, đặc biệt là đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện nay chưa có vắc xin điều trị, nếu không kiểm soát tốt mà tự phát nuôi tái đàn khi dịch bệnh xảy ra nguy cơ rất cao và thiệt hại tiếp tục rất lớn. Đòi hỏi các cấp chính quyền, các ngành, các cấp, đặc biệt là cấp địa phương quản lý chặt chẽ việc này, chỉ tái đàn đối với cơ sở, tổ chức, cá nhân đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học,” ông Hiệp nói.

Các doanh nghiệp lớn cam kết đưa giá thịt lợn về ngưỡng 80.000 đồng ảnh 1Hợp tác xã chăn nuôi nông nghiệp Đức Thắng, xã Đức Thắng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) dự kiến dịp Tết Canh Tý cung cấp cho thị trường khoảng hơn 100 tấn thịt lợn đảm bảo tiêu chuẩn. (Nguồn: TTXVN)

Cũng tại hội nghị này, các doanh nghiệp cũng đều bày tỏ cam kết đồng hành, sẽ là hạt nhân dẫn dắt việc cung ứng các dịch vụ phát triển tốt nhất, giá phù hợp nhất, từ thức ăn gia súc, giống, thuốc thú y, các dịch vụ và kỹ thuật khác.

Riêng về giá thịt lợn từ nay đến Tết Nguyên đán các doanh nghiệp hạt nhân sẽ tăng cường đưa ra thị trường với giá xung quanh 80.000 đồng/kg, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường ngành chăn nuôi.

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Bắc của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết, nguồn cung vẫn duy trì ổn định, đàn tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong thời gian qua, công ty cũng tăng nguồn cung ra thị trường, lứa lợn xuất chuồng từ 96 kg đến hơn 100kg, giá bán hiện ở mức 84.000 đồng/kg.

“Chủ trương của C.P là đồng hành với bộ, người tiêu dùng để giá ổn định ở mức thấp nhất; thực tế không ai mong muốn giá quá cao, vì không mang tính bền vững,” ông Tuấn nói.

Ông Tuấn cũng kiến nghị về tái đàn nên thận trọng, cần tuyên truyền hướng dẫn người dân, nhất là về tiêu độc khử trùng. Khuyến cáo người dân không nên nuôi quá to, nặng tới 1,3-1,5 tạ, nhất là trong giai đoạn này khi mà nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục