Các doanh nghiệp nhà nước Nam Phi trước nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc

Các doanh nghiệp nhà nước của Nam Phi và các cảng biển có thể trở thành vật thế chấp, tài sản đảm bảo cho các khoản vay nước ngoài và đứng trước nguy cơ thuộc sở hữu của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp nhà nước Nam Phi trước nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc ảnh 1Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Hội nghị Đầu tư Nam Phi 2018 ở Johannesburg ngày 26/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng maritime-executive.com ngày 20/10 có bài phân tích về nguy cơ các doanh nghiệp nhà nước của Nam Phi và các cảng biển có thể trở thành vật thế chấp, tài sản đảm bảo cho các khoản vay nước ngoài và đứng trước nguy cơ thuộc sở hữu của nước ngoài, nhất là của Trung Quốc.

Nội dung bài viết như sau:

Đầu tháng 10 vừa qua, phát biểu trong cuộc họp của Quốc hội Nam Phi, thành viên của cơ quan lập pháp quốc gia miền Nam châu Phi cho rằng đồng nội tệ rand của Nam Phi đã mất giá khoảng 200% kể từ khi cựu Tổng thống Jacob Zuma nhậm chức vào năm 2009.

Phản ánh của các phương tiện truyền thông trong nước thời gian qua cho thấy một số doanh nghiệp nhà nước của Nam Phi như Hãng Hàng không Nam Phi (SAA), công ty điện lực quốc gia, công ty đường sắt quốc gia và Bộ Giao thông vận tải đang gặp khó khăn nghiêm trọng về tài chính.

Thực tế, các cảng của Nam Phi cũng thuộc sở hữu nhà nước.

Một số nét khái quát

Khoảng hơn 25 năm trước, Nam Phi là nền kinh tế hàng đầu của châu Phi, với thu nhập quốc dân hàng năm lớn hơn tổng thu nhập quốc dân của tất các nước còn lại trong khu vực cận nhiệt đới miền Nam châu Phi.

Trong thời kỳ trước đó, các tàu hàng lớn nhất thế giới có thể dễ dàng neo đậu và bốc dỡ hàng hóa tại 2 cảng chính của Nam Phi là Durban và Cape Town, bởi các cảng nước sâu của Vịnh Richard nằm ở phía bắc Durban và Vịnh Saldanha nằm ở phía bắc của Cape Town.

Tài nguyên thiên nhiên của Nam Phi rất phong phú (than đá, quặng sắt, bôxít, mangan, vàng, bạch kim, iridi, crôm…) và có vai trò quan trọng trên thị trường quốc tế.

Ngành giao thông vận tải Nam Phi

Bộ Giao thông Vận tải Nam Phi được quyền quản lý các sân bay, công ty hàng không cũng như các cảng biển. Hãng Hàng không Nam Phi (SAA) từng là một hãng vận tải rất uy tín với hiệu suất tài chính tương đương với các hãng hàng không tư nhân lớn.

Nhưng hiện nay, hoạt động của SAA và các hãng vận tải nội địa thuộc sở hữu nhà nước, cũng như ngành đường bộ và đường sắt của nước này, đang cần hỗ trợ tài chính ở quy mô rất lớn từ Chính phủ Nam Phi.

Tình trạng tài chính của công ty điện lực quốc gia, Bộ nguồn nước và vệ sinh, công ty phát thanh truyền hình quốc gia cũng không mấy khác biệt.

Tài sản thế chấp của Nam Phi

Các hãng truyền thông Nam Phi thường xuyên đưa tin về tình trạng quản lý kém dưới thời cựu Tổng thống J. Zuma, khiến Tổng thống đương C. Ramaphosa phải tìm cách khắc phục, sửa chữa nhờ sự giúp đỡ đầu tư từ Trung Quốc.

[Nam Phi chứng kiến chu kỳ suy thoái dài nhất kể từ sau Thế chiến 2]

Các doanh nghiệp nhà nước Nam Phi trước nguy cơ rơi vào tay Trung Quốc ảnh 2Đồng tiền rand của Nam Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự mất giá của đồng nội tệ rand Nam Phi so với các đồng ngoại tệ quốc tế khác khiến giá cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nam Phi giảm, thúc đẩy các nước như Trung Quốc và Ấn Độ tìm cách thu mua với số lượng lớn.

Cùng với những tuyến đường sắt kết nối với các cảng nước sâu của Nam Phi, xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên đòi hỏi hoạt động đáng tin cậy, bởi đây có thể là cửa ngõ đối với đầu tư tương lai vào cơ sở hạ tầng giao thông ở Nam Phi của Trung Quốc.

Trong khi tìm cách vực dậy nền kinh tế vốn đã từng đứng đầu châu lục, Tổng thống Cyril Ramaphosa đang tìm cách thu hút đầu tư từ Trung Quốc, đổi lại là Nam Phi phải có tài sản đảm bảo hoặc thế chấp trong trường hợp vỡ nợ.

Theo thỏa thuận mặc định, Trung Quốc đang sở hữu công ty điện lực của Zambia và Nam Phi chắc chắn có rất nhiều tài sản đảm bảo dưới hình thức các doanh nghiệp nhà nước như bến cảng, đường sắt, công ty hàng không quốc gia và các công ty điện lực quốc gia.

Đầu tư vào các tuyến đường sắt và cảng biển đảm bảo thương mại tương lai và triển vọng tiếp cận với các nguồn lực rất quan trọng.

Các tuyến đường sắt dùng kết nối với cảng biển nước sâu và chính các cảng biển có thể trở thành tài sản thế chấp hoặc tài sản đảm bảo cho nguồn vốn đầu tư tương lai từ Trung Quốc.

Các cảng container của Nam Phi có thể là tài sản thế chấp trong tương lai, đặc biệt là Cape Town bởi cảng này rất gần với tuyến đường thương mại trên biển giữa Trung Quốc và Brazil cũng như Ấn Độ Dương và Brazil.

[Trung Quốc "ve vuốt" châu Phi bằng chính sách "ngoại giao bẫy nợ"?]

Các cảng container của Brazil và cảng phía Tây Nam của Ấn Độ đang được nâng cấp để có thể phục vụ các tàu vận tải lớn nhất, phần nào cho thấy mức độ cần thiết phải nâng cấp cảng Cape Town.

Trong tương lai, có thể Nam Phi phải xem xét bán đi doanh nghiệp nhà nước để bảo đảm đầu tư nước ngoài.

Kết luận

Tổng thống Nam Phi Ramaphosa đã hướng tới Trung Quốc nhằm tìm kiếm đầu tư giúp phát triển bộ phận của nền kinh tế trong thập kỷ qua vốn đã bị thua lỗ khoảng 10 tỷ USD và rất đáng để chuyển sang phát triển dưới dạng tư nhân hóa.

Một số doanh nghiệp ngành vận tải quốc doanh của Nam Phi đang bị phá sản về mặt kỹ thuật.

Trong khi chính phủ Nam Phi có thể phải miễn cưỡng bán đi những những doanh nghiệp quốc doanh này, thì một vài trong số các doanh nghiệp này có thể chỉ là tài sản đảm bảo duy nhất mà Nam Phi sử dụng để đổi lấy các khoản vay nước ngoài.

Sự kết hợp của ba cảng biển, hai hệ thống đường sắt chính kết nối với các cảng nước sâu và hãng hàng không quốc gia là những vật thế mạng đầy triển vọng sẽ thuộc sở hữu nước ngoài trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục