Nam Phi chứng kiến chu kỳ suy thoái dài nhất kể từ sau Thế chiến 2

Nam Phi chính thức bước vào chu kỳ suy thoái kể từ tháng 12/2013 và đến nay đã trải qua 58 tháng suy giảm liên tục - quãng thời gian dài nhất kể từ năm 1945.
Nam Phi chứng kiến chu kỳ suy thoái dài nhất kể từ sau Thế chiến 2 ảnh 1Một siêu thị ở Nam Phi. (Nguồn: The Conversation)

Nam Phi đang ở chu kỳ suy thoái kinh tế dài nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và hiện vẫn chưa thể xác định được thời điểm kết thúc cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử này.

Báo cáo của Trung tâm Phân tích rủi ro thuộc Viện nghiên cứu Chủng tộc Nam Phi (SAIRR) cho biết nền kinh tế nước này chính thức bước vào chu kỳ suy thoái kể từ tháng 12/2013 và đến nay đã trải qua 58 tháng suy giảm liên tục -quãng thời gian dài nhất kể từ năm 1945.

Trong báo cáo, Chủ tịch SAIRR Frans Cronjé nhấn mạnh đây là một chỉ số bất thường, đặc biệt kể từ khi các nền kinh tế mới nổi trở thành hạt nhân của nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của SAIRR Ian Cruickshanks cho biết chu kỳ suy thoái lịch sử này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, và hiện tại chưa thể xác định được điểm kết thúc của nó.

Theo ông Ian, báo cáo của tổ chức này một phần dựa trên các chỉ số phát triển kinh tế kể từ năm 1945 do Ngân hàng dữ trữ Nam Phi (SARB) cung cấp.

Ngoài ra, nhà kinh tế trưởng của SAIRR lưu ý rằng gói kích thích tăng trưởng kinh tế tổng thể mà Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa vừa công bố hồi tháng trước chưa đủ để vực dậy nền kinh tế èo uột của quốc gia này.

Ông cho rằng cuộc khủng hoảng hiện tại của Nam Phi không chỉ là kết quả của việc thiếu vốn đầu tư hay kích cầu, mà còn là hậu quả của cơ chế quản lý kinh tế không phù hợp trong một thập kỷ qua.

Trước đó, hôm 21/9, Tổng thống Ramaphosa đã công bố gói kích cầu tổng thể ưu tiên chi tiêu cho các hoạt động có tác động lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế, nhất là ngành nông nghiệp, kinh tế đô thị và kinh tế nông thôn. Gói kích cầu lần này gồm 5 nhóm biện pháp sẽ được thực hiện ngay lập tức.

[Nam Phi có khả năng sẽ đề nghị IMF giúp giải quyết nợ công]

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Nam Phi, nền kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật lần đầu tiên kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, với 2 quý giảm liên tiếp (lần lượt 2,6% và 0,7% trong quý 1 và quý 2/2018) do các lĩnh vực nông nghiệp, vận tải, thương mại và chế tạo của nước này đều đi xuống.

Ủy ban Kế hoạch quốc gia Nam Phi (NPC) cho biết nhiều khả năng nước này sẽ sớm yêu cầu sự trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong trường hợp nguồn thu ngân sách không còn đủ để chi trả các khoản nợ công.

Hiện nợ công của nền kinh tế trị giá 300 tỷ USD này đang ở mức tương đương 53,1% GDP và dự báo sẽ tăng lên 56,2% GDP trong 5 năm tới.

Được coi là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi, kinh tế Nam Phi đã xuống dốc trầm trọng trong gần một thập kỷ qua. Có thời điểm, nền kinh tế nước này bị các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá ở mức rất thấp, có thời điểm bị xếp cuối bảng trong 21 nền kinh tế mới nổi về dự báo các chỉ số tài chính, bao gồm tăng trưởng GDP, tài khoản vãng lai, mức độ rủi ro tín dụng và giá trị của thị trường chứng khoán và trái phiếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục