Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2014 (VBF 2014), các đối tác đầu tư thúc giục Việt Nam nhanh chóng cải thiện cơ sở hạ tầng ("cứng" và "mềm") để chuẩn bị một cách hiệu quả nhất cho việc tham gia các hiệp định thương mại tự do mới.
Cụ thể, các hiệp định bao gồm Hiệp định thương mại tự do châu Âu-Việt Nam (EU FTA), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC 2015) và một số hiệp định khác.
Tiền mặt tạo “môi trường” cho tham nhũng
Theo bà Virginia Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, việc thực hiện các hiệp định thương mại sẽ mang lại cho nền kinh tế cũng như người dân Việt Nam rất nhiều cơ hội tiềm năng.
Những hiệp định này hỗ trợ giảm hàng rào thuế quan khi tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực may mặc, giày dép, nông nghiệp và các mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam.
Song bên cạnh đó, các hiệp định trên cũng kêu gọi việc tiếp cận thị trường trong các lĩnh vực khác như mua sắm và các dịch vụ chính phủ đồng thời đưa ra những tiêu chuẩn mới cho việc liên kết các quy định, khung pháp luật cho các doanh nghiệp nhà nước, quyền công nhân, bảo vệ một trường và quyền sở hữu trí tuệ.
“Những hiệp định này sẽ đòi hỏi các quy định của pháp luật phải ở mức độ tiêu chuẩn cao. Tuy nhiên, một số cơ sở hạ tầng cơ bản vẫn chưa sẵn sàng,” bà Virginia nhấn mạnh.
Theo bà Virginia, những lĩnh vực gặp phải khó khăn của Việt Nam là rất rõ ràng. Với cơ sở hạ tầng "mềm", nhà đầu tư lo ngại tham nhũng là một vấn đề nan giải mà các hiệp định thương mại không thể khắc phục được nhưng lại là một cái nhìn khái quát ảnh hướng đến nền kinh tế và danh tiếng của Việt Nam.
Các chuyên gia phân tích, hiện tại nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào tiền mặt. Theo đó, số lượng lớn các giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt, các khoản phí và tiền phạt nộp cho Chính phủ cũng được thu bằng tiền mặt… đã tạo điều kiện cho tham nhũng và trì trệ.
Ông Marc Townsend, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai phòng chống tham nhũng trên quy mô rộng hơn thông qua việc áp dụng các hệ thống giảm thiểu cơ hội cho các khoản chi trả không hợp pháp gắn với việc thực hiện một đạo luật (tương tự như Đạo Luật Chống Tham Nhũng Tại Nước Ngoài của Hoa Kỳ (FCPA) hoặc Đạo Luật Chống Hối Lộ của Anh Quốc.)
“Một bước tiến đáng kể là thực hiện các hành động hạn chế tối đa việc sử dụng phương thức thanh toán tiền mặt và tăng cường sử dụng thương mại điện tử,” ông Marc nói.
Thủ tục “rườm rà”
Bên cạnh đó, một khó khăn khác liên quan đến cơ sở hạ tầng "mềm" được các nhà đầu tư nêu ra, là việc các quyết định của Chính phủ thường được đưa ra chưa kịp thời, các thủ tục phức tạp, nặng nề với sự tham gia của nhiều cán bộ, các quy định pháp luật thiếu thống nhất và tính thực thi của tòa án còn chưa hiệu quả.
Ông Yoshihisa Maruta, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, kết quả khảo sát cho thấy 70% doanh nghiệp Nhật đầu tư đầu tư tại Việt Nam cho biết tiếp tục coi đây là một thị trường quan trọng và duy trì chiến lược mở rộng hoạt động trong năm 2014 (một tỉ lệ cao so với phần lớn các quốc gia khác.)
Tuy vậy, ông Yoshihisa lại nhấn mạnh một yếu tố khác, hơn 60% các doanh nghiệp được hỏi cho rằng những vấn đề như chi phí lao động tăng nhanh, thủ tục hành chính phức tạp, chính sách nhà nước thiếu minh bạch, thủ tục thuế rườm rà, hệ thống pháp luật thiếu hoàn thiện, thiếu minh bạch trong thực thi luật… đang cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
Theo đó đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, ông Tomaso Andreatta Phó Chủ tịch đưa ra khuyến nghị năm luận điểm chính mà Việt Nam cần chú trọng là tôn trọng và thi hành các cam kết của WTO trước khi ký kết Hiệp định Thương mại Tự do (FTA); cấp phép phân phối cho các doanh nghiệp nước ngoài; cấp thị thực nhằm thu hút khách du lịch và công tác; gỡ bỏ giới hạn sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (đặc biệt là tại các ngân hàng) và cuối cùng thủ tục hòa giải tranh chấp từ doanh nghiệp tới Chính phủ.
Áp lực về nguồn lao động
Ngoài ra, các đối tác cũng nhấn mạnh việc thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao đã cản trở việc phát triển dây chuyền sản xuất.
Ông Yoshihisa nhấn mạnh, “Việt Nam là nước đông dân thứ ba trong khối ASEAN và có một lực lượng lao động trẻ, cần cù. Nhưng, nếu không có sự quản lý tốt thì nền kinh tế sẽ khó có thể tạo dựng được một thế hệ người lao động trẻ có tốc độ tăng trưởng nhanh cũng như tạo đủ việc làm.”
Trong khi thời điểm này là giai đoạn hết sức quan trọng, với việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thông qua vào năm 2015, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương hiện đang đi vào những vòng đàm phán cuối cùng.
Kể từ năm 2015 trở đi, Việt Nam sẽ bị tăng áp lực cạnh tranh quốc tế khi phần lớn các loại thuế nhập khẩu sẽ được dỡ bỏ từ năm 2015 theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) (dù một số mặt hàng vẫn áp dụng thuế nhập khẩu cho đến năm 2018).
Nhìn sang những quốc giá láng giềng, ông Yoshihisa chỉ dẫn, Thái Lan hiện đang chuyển hướng chính sách sang giai đoạn công nghiệp hóa cao hơn đồng thời giảm dần chế độ ưu đãi dành cho những ngành có số lượng lao động cao để thay vào đó khuyến khích những ngành có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Các quốc gia Campuchia, Lào, Myanmar đang tận dụng cơ hội, tập trung thực hiện chiến lược kinh doanh có tên gọi “Thái Lan cộng 1” nhằm thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng lao động cao như Việt Nam từng làm trước đây.
“Trước tình hình đó, nếu Chính phủ không có định hướng rõ ràng về phát triển công nghiệp cũng như xử lý triệt để vấn đề mức tiền lương tăng nhanh và quy định về làm ngoài giờ chặt chẽ hơn các nước phát triển thì lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về những ngành có hàm lượng lao động cao có thể sẽ không còn. Khi đó Việt Nam sẽ không thể thu hút vốn đầu tư cho công nghiệp và thay vào đó trở thành nơi tiêu thụ sản phẩm cho các nước láng giềng,” Ông Yoshihisa cảnh báo.
Nản lòng vì dự thảo nghị định PPP
Thiếu hụt cơ sở hạ tầng, cụ thể là năng lượng và giao thông vận tải tiếp tục là vấn đề được các nhà đầu tư nhắc đến tại Diễn đàn năm nay. Các đối tác nhấn mạnh, hạ tầng cơ sở yếu là một trong những yếu tố cản trở dòng vốn FDI.
Mô hình đối tác công tư (PPP) là giải pháp quan trọng trong việc giải quyết những yếu kém về cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tuy nhiên, Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng tại Diễn đàn lại chỉ ra, dự thảo nghị định về hợp tác công tư dường như đang làm nản lòng các nhà đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng.
“Trong Dự thảo Nghị định hiện nay còn nhiều vấn đề cần làm rõ. Nội dung chưa bảo đảm đáp ứng điều kiện vay vốn, cần tiếp tục chỉnh sửa trước khi hoàn thiện Dự thảo và ban hành Nghị định. Nếu không, đầu tư của tư nhân nước ngoài vào cơ sở hạ tầng có thể sẽ bị đình trệ, dù trong bối cảnh hiện nay vẫn còn quá ít dự án đầu tư loại này,” đại diện Nhóm Công tác Cơ sở hạ tầng cảnh báo.
Theo bà Virginia, đối với cơ sở hạ tầng cứng quan trọng, nhà đầu tư quan tâm đến thời gian cần để phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng.
“Chúng tôi hy vọng rằng sau khi các cuộc thảo luận, một hệ thống PPP hiệu quả sẽ được thông qua sớm. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn trong giao thông vận tải sẽ góp phần khuyến khích lĩnh vực kinh doanh và du lịch,” bà Virginia nói./.