Ngày 21/1, tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), hơn 80 hãng dược phẩm hàng đầu thế giới đã kêu gọi các chính phủ và ngành dược phối hợp tìm biện pháp thúc đẩy việc sử dụng thuốc kháng sinh một cách hợp lý và ngăn chặn các “siêu vi khuẩn” kháng thuốc đang gia tăng mạnh.
Trong "Tuyên bố ngăn chặn vi khuẩn kháng thuốc (DCAR),” 83 quốc gia và 8 hiệp hội dược thuộc 16 nước tham gia ký kết đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới ủng hộ việc đầu tư vào phát triển các loại kháng sinh, phương pháp chẩn đoán, vắcxin và các sản phẩm dược khác để ngăn chặn và điều trị các bệnh truyền nhiễm kháng thuốc.
DCAR là bước đi quan trọng của ngành dược toàn cầu trong việc đối phó với các “siêu vi khuẩn” kháng thuốc, góp một tiếng nói ủng hộ tích cực vào kế hoạch quy mô toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về giảm tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc kháng sinh ở người và động vật.
Việc đông đảo các hãng dược phẩm trên toàn cầu, bao gồm cả các tên tuổi lớn như Johnson & Johnson, Roche, Novartis, Pfizer and Merck, AstraZeneca, GlaxoSmithKline and Sanofi... tham gia ký tuyên bố trên cho thấy sự cấp thiết phải có những bước tiến mới trong việc phát triển và tiếp thị thuốc kháng sinh.
Các hãng dược phẩm thừa nhận thực tế rằng nhiều loại thuốc kháng sinh đang ngày càng mất tác dụng nhanh trong khi chưa tìm ra các loại thay thế. Khắc phục tình trạng này được coi là ưu tiên hàng đầu trong chính sách y tế trên toàn cầu.
Theo tuyên bố trên, các hãng dược phẩm và chẩn đoán bệnh nhất trí đưa ra các biện pháp phát triển thuốc, vắcxin mới và bảo vệ tác dụng của các loại thuốc hiện có. Các hãng dược phẩm cam kết gia tăng đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển các loại thuốc kháng sinh mới, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước đưa ra các mô hình thương mại mới có thể khuyến khích hoạt động nghiên cứu và phát triển, triển khai các khung điều trị phù hợp mới để hạn chế việc lạm dụng thuốc kháng sinh.
Kết quả một nghiên cứu do Anh đứng đầu ước tính rằng nếu không hành động nhanh chóng, tình trạng kháng thuốc có thể làm 10 triệu người trên toàn thế giới thiệt mạng mỗi năm vào năm 2050./.