Các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử?

Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng bao gồm: Chữ ký điện tử chuyên dùng; chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử? ảnh 1Đại diện các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị hành chính công trải nghiệm Cổng Dịch vụ công Quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng nay 30/5 tại Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đã giải trình  các ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; các hình thức xác nhận mật khẩu dùng một lần (OTP), mã xác thực giao dịch qua tin nhắn điện tử (SMS) hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không?

Ông Huy cho biết hiện nay các hình thức SMS, OTP, Token OTP, sinh trắc học, định danh người dùng bằng phương thức điện tử (eKYC)… được sử dụng tương đối phổ biến trong giao dịch điện tử. Tuy nhiên, các hình thức này chỉ được coi là chữ ký điện tử khi: Kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu; có khả năng xác nhận chủ thể ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử.” Dự thảo Luật đã phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng bao gồm: Chữ ký điện tử chuyên dùng; chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng công vụ.

Đối với một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực bằng phương tiện điện tử khác, Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy rằng về nguyên tắc chung tiến hành giao dịch, các bên được “Tự thỏa thuận về việc lựa chọn loại công nghệ, phương tiện điện tử, chữ ký điện tử để thực hiện giao dịch điện tử.”

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết thực tế theo báo cáo của các ngân hàng, khách hàng có thể sử dụng tài khoản giao dịch, mật khẩu, mã OTP… do ngân hàng cung cấp để thực hiện giao dịch. Đây là một hình thức xác nhận sự chấp thuận của khách hàng đối với nội dung thông điệp dữ liệu (nội dung giao dịch), tuy nhiên những hình thức này không phải là chữ ký điện tử theo quy định của luật.

[Hoàn thiện hành lang pháp lý thích ứng thị trường hội nhập]

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai.

Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được sửa đổi theo hướng chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết thêm trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã bổ sung quy định “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật.”

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh như quy định trong dự thảo Luật dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ… tại Việt Nam hiện đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn, tin cậy. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch có quyền lựa chọn về công nghệ, phương tiện điện tử… để thực hiện giao dịch. 

Ngoài các quy định về thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử thì dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về dịch vụ tin cậy, chứng thư điện tử, giao dịch điện tử trong cơ quan Nhà nước… để có cơ sở pháp lý hướng dẫn giao dịch điện tử phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục