Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và dự án Luật Giá (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử
Thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động sang môi trường số; chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Các đại biểu cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật là cần thiết khi công nghệ số đã tương đối phổ biến, nền tảng số đã trở thành môi trường không thể thiếu của giao dịch điện tử.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh hướng tới hai mục tiêu: tạo điều kiện tốt hơn trong ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội và tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Vấn đề đặt ra là liệu các điều kiện bảo đảm sẽ như thế nào và có bảo đảm được sự an toàn, tin cậy trong giao dịch điện tử ở tất cả các lĩnh vực hay không.
[Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ khi sửa đổi Luật Giao dịch điện tử]
Để đảm bảo tính khả thi dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cho rằng cần có lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử trong một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp, đa dạng như liên quan đến đất đai, đấu thầu xây dựng, quy hoạch.
Theo đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng), trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại chưa quy định rõ các nội dung này.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử.
Đảm bảo không biến động giá đột ngột
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Giá (sửa đổi), đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với việc sửa đổi Luật, đồng thời nhấn mạnh cần bổ sung mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu, quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí bình ổn giá.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đề xuất Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc trên giá thành toàn bộ đối với các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và có thể xem đây như một biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào Khoản 3 Điều 20 của dự án Luật.
Nhiều ý kiến nhận định thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu và Quỹ này đã góp phần làm giảm sốc về giá khi giá xăng dầu thế giới tăng cao hoặc giảm quá mạnh.
Việc sử dụng quỹ bình ổn giá đã hạn chế tác động xấu đến nền kinh tế và đời sống của nhân dân.
Xét về bản chất, giá cả hàng hóa, dịch vụ thực hiện trích quỹ bình ổn giá vẫn vận hành theo cơ chế thị trường, tăng hay giảm vẫn phụ thuộc vào thị trường.
Tuy nhiên, khi sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá sẽ tác động làm giá cả tăng chậm hơn hoặc giảm chậm hơn.
Do đó, các đại biểu cho rằng nếu sử dụng được biện pháp bình ổn giá khác như thông qua điều hòa, kiểm soát cung cầu quy định tại Khoản 3, Điều 20 của dự thảo Luật thì không cần thiết phải sử dụng công cụ quỹ bình ổn giá.
Đối với việc thẩm định giá hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa Bộ, ngành quản lý, các đại biểu đề nghị, khi thẩm định giá cần có cơ quan tài chính cùng cấp tham gia để đảm bảo tính khách quan, phòng ngừa trường hợp lợi dụng gây thất thoát.
Về các hành vi bị cấm, một số đại biểu cho rằng, quy định của Luật đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để tránh bỏ sót, đồng thời cần thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn nữa để đảm bảo khả thi khi áp dụng, nhanh chóng tạo tác động thực tế khi luật được chính thức ban hành.
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo dự án Luật này. Bộ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ và tại hội trường, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội xem xét.
Về vấn đề kê khai giá, Bộ trưởng cho rằng giữa rất nhiều loại giá với những vai trò khác nhau, cần tập trung vào một số giá cụ thể để đảm bảo hiệu quả điều chỉnh với nguồn lực hữu hạn.
Bộ trưởng nhấn mạnh kê khai giá là nhằm yêu cầu giải trình khi giá cả có thay đổi, đảm bảo không biến động giá đột ngột. Ban soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu và quy định chi tiết hơn nữa về nội dung này. Bộ Tài chính sẽ lấy ý kiến các đối tượng tác động; tham vấn ý kiến chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật này trình Quốc hội xem xét.
Tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng từ 1/7/2023
Chiều nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 với 451 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 90,56 % tổng số đại biểu Quốc hội; biểu quyết thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 với 453 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 90,96 % tổng số đại biểu Quốc hội.
Quốc hội đã quyết định thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 như sau: tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 2.076.244 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% tổng sản phẩm trong nước (GDP), bao gồm: Bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỷ đồng, tương đương 4,18% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng, tương đương 0,24% GDP; tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 648.213 tỷ đồng.
Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ: Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023.
Từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng; tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp; tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở./.