Các ngân hàng Hàn Quốc chuẩn bị cải cách thị trường ngoại hối trong tháng 7

Sự thay đổi lớn này trên thị trường ngoại hối được kỳ vọng sẽ là bước đệm để các ngân hàng Hàn Quốc nâng cao lợi nhuận phi ngân hàng.

Một người dân đi ngang qua văn phòng đổi tiền ở Myeong-dong, Seoul, ngày 16/4. (Nguồn: Yonhap)
Một người dân đi ngang qua văn phòng đổi tiền ở Myeong-dong, Seoul, ngày 16/4. (Nguồn: Yonhap)

Để chuẩn bị cho cuộc cải cách thị trường ngoại hối sắp tới, các ngân hàng Hàn Quốc đang mở rộng cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động để tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Sự thay đổi lớn này trên thị trường ngoại hối được kỳ vọng sẽ là bước đệm để các ngân hàng Hàn Quốc nâng cao lợi nhuận phi ngân hàng.

Bắt đầu từ tháng Bảy tới, Chính phủ Hàn Quốc sẽ kéo dài thời gian hoạt động của thị trường ngoại hối của nước này, hiện hoạt động từ 9 giờ sáng đến 3 giờ 30 chiều, và đóng cửa lúc 2 giờ sáng ngày hôm sau.

Cải cách thị trường ngoại hối Hàn Quốc nhằm mục đích dần dần vận hành thị trường 24 giờ một ngày.

Ngoài ra, các tổ chức nước ngoài đã đăng ký (RFI) sẽ có thể tham gia trực tiếp vào thị trường ngoại hối.

4 ngân hàng thương mại lớn của Hàn Quốc là KB Kookmin, Shinhan, Hana và Woori đang tích cực chuẩn bị cho những cơ hội mới.

Ngân hàng Hana đang có động thái quyết liệt nhất. Vào tháng Tư, Ngân hàng Hana đã khai trương một phòng giao dịch rộng 2.096 mét vuông, hoạt động suốt ngày đêm.

Các ngân hàng khác đang làm theo bằng cách kéo dài thời gian hoạt động của những phòng giao dịch ngoại hối của họ và thành lập các nhóm đặc nhiệm để chuẩn bị. Đồng thời, họ cũng đang nỗ lực chỉ định các tập đoàn hoặc chi nhánh ở nước ngoài của mình là RFI.

Điều này nhằm mục đích tạo ra một cơ cấu cho giao dịch ngoại hối 24 giờ đồng thời củng cố hoạt động kinh doanh đồng won Hàn Quốc ở nước ngoài.

Chẳng hạn, Ngân hàng KB Kookmin lần đầu tiên đăng ký chi nhánh ở cả London và Singapore vào tháng Hai.

Sau khi đăng ký chi nhánh London vào tháng Ba, Ngân hàng Hana đặt mục tiêu cử 10 quan chức có chuyên môn về ngoại hối vào nửa cuối năm nay.

Ngân hàng Shinhan gần đây đã nộp đơn đăng ký RFI cho các chi nhánh tại London và Ấn Độ, đồng thời đang chuẩn bị đăng ký chi nhánh tại Việt Nam.

Tương tự, Ngân hàng Woori đang xem xét nhiều thị trường khác nhau, bao gồm cả thị trường ở London và Đông Nam Á.

Sự quan tâm đến các dịch vụ đại lý giao dịch cho RFI cũng đang tăng lên. Các ngân hàng Hàn Quốc có thể kiếm thu nhập hoa hồng bằng cách xử lý báo cáo giao dịch ngoại hối, quản lý tài khoản và các nhiệm vụ liên quan khác cho RFI không có trụ sở tại Hàn Quốc.

Hiện tại, 22 RFI đã được Chính phủ Hàn Quốc phê duyệt, bao gồm các chi nhánh ở nước ngoài của những ngân hàng trong nước cũng như các ngân hàng nước ngoài như Deutsche Bank, Bank of America và ING Bank.

Ngành ngân hàng dự đoán rằng thị trường mới sẽ thu hút những người tham gia và nguồn vốn mới. Đặc biệt, việc mở rộng thu nhập ngoài lãi, chẳng hạn như phí kinh doanh ngoại hối, dự kiến sẽ giúp đa dạng hóa nguồn thu hơn nữa.

Chính phủ Hàn Quốc cũng nhấn mạnh vai trò tích cực của các ngân hàng trong việc tái cơ cấu thành công thị trường ngoại hối, gọi biện pháp này là "cơ sở hạ tầng quan trọng để nâng cao giá trị doanh nghiệp."

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu sự thay đổi này có mang lại những tác động như mong đợi đối với ngành hay không.

Năm 2023, Trung Quốc cũng mở rộng hoạt động thị trường ngoại hối đến 3 giờ sáng, nhưng số lượng giao dịch không tăng đáng kể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục