Ba quốc gia vùng Baltic ngày 10/3 đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) lập một hệ thống mới nhằm phân phối vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dựa trên nhu cầu thay vì theo quy mô dân số.
Trong một bức thư trên gửi Cao ủy châu Âu về Y tế Stella Kyriakides, Bộ trưởng Y tế các nước Estonia, Latvia và Litva kêu gọi áp dụng một "cơ chế tạm thời phân phối lại vaccine có tính đến tình hình vụ thể và việc sử dụng vaccine trên thực tế."
Các nước này đề nghị các tiêu chí như lượng vaccine sẵn có, tỷ lệ tiêm phòng, tỷ lệ nhiễm, tỷ lệ tử vong và mức độ lây lan các biến thể mới cần phải được tính đến trong cơ chế phân phối mới.
Thư nêu rõ kế hoạch trên sẽ "thúc đẩy việc phân phối vaccine đến các nước thành viên đang cần khẩn cấp" và cải thiện sự hiệu quả bằng cách phân phối lại các vaccine chưa dùng đến, trước khi quá hạn sử dụng.
Các nước vùng Baltic không bị ảnh hưởng nhiều trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất hồi năm 2020, nhưng những tuần gần đây đang bị tác động nặng nề và buộc phải áp đặt phong tỏa một phần.
Theo các số liệu của hãng tin AFP, trong 14 ngày qua, Estonia đang có tỷ lệ số ca nhiễm trên đầu người ở mức cao nhất thế giới trong khi Latvia đứng thứ hai EU về tỷ lệ tiêm phòng thấp nhất, chỉ sau Bulgaria.
[EU nhận được 100 triệu liều vaccine mỗi tháng trong quý 2]
Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cùng ngày cho biết EU sẽ được bổ sung 4 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech trong hai tuần tới.
Trong một tuyên bố, bà der Leyen cho biết số vaccine trên - cao hơn mức mà nhà sản xuất vaccine đã nhất trí, sẽ được chuyển tới các vùng biên giới bị ảnh hưởng nhằm "giúp đảm bảo hoặc khôi phục sự di chuyển tự do của người và hàng hóa."
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh EC đang tìm cách thuyết phục ít nhất sáu quốc gia thành viên dỡ bỏ các hạn chế ở biên giới mà Brussels cho là "thái quá."
Bà der Leyen nhắc tới tình trạng tăng số ca nhiễm và số ca nhập viện tại vùng Tyrol (Áo), thành phố Nice và vùng Moselle của Pháp, Bolzano ở Italy và nhiều nơi ở vùng Bavaria và Saxony ở Đức, dẫn tới "những biện pháp nghiêm ngặt và trong một số trường hợp là áp đặt các kiểm soát mới ở biên giới."
Bà cũng lưu ý rằng vaccine của BioNTech/Pfizer đã chứng tỏ "hiệu quả cao" chống các biến thể mới của virus.
Bà der Leyen đánh giá thỏa thuận bổ sung nói trên "là hành động nhanh chóng và mang tính quyết định" của EC, đồng thời nhấn mạnh rằng việc khôi phục tự do đi lại trong EU là "chìa khóa để vận hành các hệ thống y tế và Thị trường chung duy nhất"./.