Các nước được lợi gì từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ?

Cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang tạo ra cơ hội, mang lại lợi ích cho một số quốc gia, nhưng đây chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, cuộc chiến đó sẽ gây ra những bất lợi đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các nước được lợi gì từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ? ảnh 1Chiến tranh thương mại có thể khiến Mỹ mất vĩnh viễn 3,6 triệu ha đậu nành. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Liên quan đến những diễn biến cùng tác động ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây, báo Liên hợp buổi sáng (Singapore) ngày 6/5 đăng bài viết của tác giả Chu Dĩnh, giáo sư kinh tế học trường Đại học Thượng Hải (Trung Quốc), nhận định nhiều bên được lợi từ cuộc chiến thương mại đó.

Theo giáo sư Chu Dĩnh, phần lớn các nước trên thế giới như Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đều mong muốn cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington sớm kết thúc.

[Liệu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sắp kết thúc?]

Điều đó là vì nền kinh tế của các nước này có mối liên hệ chặt chẽ với kinh tế hai nước Trung-Mỹ, nên họ sẽ là bên thứ ba bị thiệt hại do những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại.

Theo một báo cáo nghiên cứu được công bố hồi tháng 10/2018 của Viện Nghiên cứu Daiwa, các doanh nghiệp Nhật Bản vừa qua đã bị thiệt hại khoảng 5,33 tỷ yên Nhật (hơn 500 triệu USD) do các biện pháp tăng thuế của hai nước Trung-Mỹ.

Con số này không phải là lớn nhưng giới doanh nghiệp Nhật Bản đang lo ngại môi trường thương mại toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng rối loạn và bất ổn.

Tuy vậy, giáo sư Chu Dĩnh cũng cho rằng cuộc chiến thương mại đó hiện đang tạo ra các cơ hội và mang lại lợi ích cho một số quốc gia khác trên thế giới, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Mexico đã thay thế Trung Quốc, trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Trong khoảng 4 năm trở lại đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, kế đến là các nước Canada và Mexico.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mới nhất, Mexico đã từ vị trí thứ ba vươn lên vị trí thứ nhất.

Theo công bố của Tạp chí Forbes (Mỹ) ngày 26/4 vừa qua, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Mexico tính đến hết tháng 2/2019 đã tăng 3,36% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó kim ngạch thương mại Mỹ-Canada lại giảm 4,12%, còn kim ngạch thương mại Mỹ-Trung giảm tới 13,5%.

Thứ hai, cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đang tạo cơ hội để Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Cuối năm 2018, Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết việc Trung Quốc tăng thuế nhập khẩu từ 15-25% đối với 333 mặt hàng có xuất xứ từ Mỹ đang tạo ra cơ hội để Ấn Độ xuất khẩu hơn 100 mặt hàng của mình sang thị trường Trung Quốc, thay thế hàng hóa của Mỹ.

Theo đó, Ấn Độ có thể tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc các loại ngũ cốc, hoa quả, bông và gang thép…

Ngoài ra, theo tiết lộ của một tập đoàn kinh tế lớn của Ấn Độ có trụ sở tại Mỹ, hiện đang có khoảng 200 công ty của Mỹ đang có ý định chuyển cơ sở sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Ấn Độ.

Thứ ba, Việt Nam là nước thu được lợi ích từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Năm 2018, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong các nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại châu Á.

Ngày 10/1, Tạp chí Nikkei của Nhật Bản cho biết FDI của Việt Nam năm 2018 đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái và thiết lập kỷ lục mới trong 6 năm tăng trưởng liên tục.

Ngoài ra, với mức tăng trưởng 7,1% trong năm 2018, kinh tế Việt Nam được xếp vào hàng những nền kinh tế có mức tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Do vậy, có thể thấy cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ cũng là một nguyên nhân khiến Việt Nam thành công trong việc thu hút FDI.

Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang và dệt may quyết định chuyển nhà máy, xưởng sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh quy định áp thuế cao của chính phủ Mỹ.

Các nước được lợi gì từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ? ảnh 2Dây chuyền sản xuất linh kiện cho các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH INOAC Viet Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội). (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Thứ tư, các nước Argentina và Brazil thu được lợi ích nhiều hơn từ xuất khẩu đậu tương. Trung Quốc vừa qua đã áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng đậu tương của Mỹ, khiến cho giá đậu tương của Mỹ tại thị trường Trung Quốc bị đẩy lên rất cao.

Theo logic kinh tế, giá thành tăng sẽ khiến cho nhu cầu tiêu thụ đậu tương của Mỹ tại Trung Quốc giảm đi nhưng trên thực tế, Bắc Kinh đã sớm dừng việc nhập khẩu đậu tương từ Mỹ và tìm các đối tác khác để thay thế.

Theo số liệu thống kê được công bố ngày 24/12/2018, hải quan Trung Quốc cho biết nước này không nhập khẩu đậu tương của Mỹ trong tháng 11/2018. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ đậu tương lớn nhất thế giới với khoảng 63% tổng sản lượng đậu tương toàn cầu.

Theo đó, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ vô tình đã giúp cho mặt hàng đậu tương của Brazil tăng giá. Tháng 6/2018, giá đậu tương tại cảng Paranagua của Brazil là 385,60 USD/tấn, cao hơn 35,7 USD so với sản phẩm tương tự của Mỹ được xuất khẩu tại khu vực Gulf Coast phía Nam của Mỹ.

Không những vậy, khoảng hai tháng sau, giá đậu tương của Brazil đã bất ngờ tăng lên mức 450 USD/tấn.

Cùng với đó, lượng đậu tương Trung Quốc nhập khẩu từ Brazil cũng tăng mạnh, từ 6,6 triệu tấn năm 2017 lên 8,2 triệu tấn năm 2018.

Tương tự, Argentina cũng thu được nhiều lợi ích từ xung đột thương mại Trung-Mỹ thông qua việc mua đậu tương của Mỹ về ép dầu, sau đó bán dầu cho Trung Quốc.

Tháng 8/2018, Bộ Nông nghiệp Argentina ra thông báo cho biết nước này lần đầu tiên trong vòng ba năm trở lại đây tiến hành xuất khẩu dầu đậu tương sang Trung Quốc.

Theo đó, khoảng 9 tấn dầu đậu tương đã được đưa lên tàu để vận chuyển sang thị trường Trung Quốc.

Ngoài ra, Argentina cũng đang dự kiến tới đây sẽ xuất khẩu một lượng lớn bã đậu nành (dùng để chế biến thức ăn cho gia cầm và gia súc) sang thị trường Trung Quốc.

Thứ năm, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ giúp Nga và các nước Trung Đông tăng cường xuất khẩu năng lượng.

Với việc áp thuế nhập khẩu lên tới 25% khiến cho lượng khí hóa lỏng của Mỹ được nhập vào thị trường Trung Quốc ngày càng giảm và hoàn toàn dừng hẳn vào tháng 8/2018.

Năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn khí hóa lỏng từ Mỹ. Theo đó, Washington trở thành đối tác lớn thứ hai chuyên cung cấp mặt hàng này cho Bắc Kinh.

Tuy nhiên, 8 tháng năm 2018, Trung Quốc chỉ nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn khí hóa lỏng của Mỹ, con số này của giai đoạn cùng kỳ năm 2017 là 2,1 triệu tấn.

Trong khi đó, số liệu thống kê cho thấy lượng khí hóa lỏng Trung Quốc nhập khẩu từ các nước Qatar, Saudi Arrabia và Kuwait bất ngờ tăng mạnh.

Tương tự, Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9/2018 bình quân mỗi ngày nhập khẩu khoảng 1,3 triệu thùng dầu của Nga, nhưng con số này trong tháng 10/2018 đã tăng lên tới hơn 1,7 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 58%.

Iran hiện đang là đối tác cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, trong khi đó cơ chế miễn trừ của Mỹ đối với việc xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã chấm dứt vào ngày 2/5 vừa qua. Do vậy, lượng dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu từ Nga sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Giáo sư Chu Dĩnh kết luận mặc dù cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang tạo ra cơ hội, mang lại lợi ích cho một số quốc gia, nhưng đây chỉ là ngắn hạn. Về lâu dài, cuộc chiến đó sẽ gây ra những bất lợi đối với nền kinh tế toàn cầu.

Hai nền kinh tế có quy mô lớn nhất, đóng vai trò đầu tàu bị tổn hại, đương nhiên sẽ làm trì trệ, thậm chí kéo lùi sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục