Các nước Eurozone đối mặt với lạm phát cao

Lạm phát của Estonia ở mức cao nhất trong hai thập kỷ là 12,2% vào tháng 12/2021; tình hình của Lithuania cũng không khả quan hơn, tốc độ tăng giá cả tăng hơn gấp đôi so với mức 5% của cả khối.
Các nước Eurozone đối mặt với lạm phát cao ảnh 1Người dân mua hàng trong siêu thị tại Duesseldorf, miền tây nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các thành viên mới nhất của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) hiện đang đối mặt với một vấn đề lớn là lạm phát cao.

Ở một quốc gia Baltic là Estonia, lạm phát ở mức cao nhất trong hai thập kỷ là 12,2% vào tháng 12/2021. Tình hình của Lithuania cũng không khả quan hơn, với số liệu công bố tuần này cho thấy tốc độ tăng giá cả tăng hơn gấp đôi so với mức 5% của cả khối.

Các nước nói trên sẽ chưa thể trông chờ vào cứu cánh đến từ chính sách tiền tệ.

Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Philip Lane ngày 11/1 nhắc lại rằng nhiều khả năng lãi suất sẽ chưa thể tăng trong năm nay, khi các dự báo cho thấy lạm phát sẽ giảm dần xuống dưới mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra trong trung hạn.

Điều đó ngược lại với những gì diễn ra ở các nước không phải là thành viên Eurozone, với các ngân hàng trung ương Ba Lan và Hungary đang hành động quyết liệt để kiểm soát đà tăng giá cả.

[Chủ tịch ECB dự báo về lạm phát tại Eurozone trong năm 2022]

Nhà kinh tế Martins Abolins tại ngân hàng Citadele Banka ở Riga, thủ đô của Latvia, nơi giá tiêu dùng tăng 7,9% trong tháng trước, cho rằng nước này có thể cũng sẽ hành động như Ba Lan và tăng lãi suất nếu có chính sách tiền tệ riêng.

Trong khi lãi suất ở các nước Baltic khá thấp trong nhiều năm mà không gây ra tình trạng mất cân đối nghiêm trọng về kinh tế, việc tỷ lệ lương trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gia tăng đã trở thành mối lo ngại.

Tại Estonia, chính phủ nước này đang cân nhắc các giải pháp nhằm hạ nhiệt lạm phát thông qua ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Keit Pentus-Rosimannus nói vai trò của chính sách tài khóa của quốc gia là dung hòa sự khác biệt giữa các nước.

Người đồng cấp của ông tại Lithuania, Gintare Skaiste, cho rằng tình hình kinh tế khác biệt là vấn đề được đưa ra tại các cuộc họp của khối. Việc tìm kiếm các chính sách phù hợp cho tất cả là điều khó khăn nên các nước cần thực hiện những giải pháp trong khả năng của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục