Ngày 11/12, Hãng thông tấn Séc (CTK) dẫn nguồn tin từ Văn phòng chính phủ Cộng hòa Séc cho biết các nước trong nhóm Visegrad (còn gọi là nhóm V4, gồm Hungary, Ba Lan, Slovakia và Cộng hòa Séc) sẽ khởi động một dự án chung nhằm tăng cường bảo vệ biên giới Libya và cải thiện tình hình người tị nạn tại đây.
Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka cho biết dự án chung của V4 nhằm giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng người di cư mới. Ông bày tỏ vui mừng sau khi các nước đã đạt được đồng thuận sau vài tuần đàm phán đồng thời nhấn mạnh dự án này phù hợp lợi ích của Cộng hòa Séc.
Văn phòng thủ tướng Séc cho biết các khoản đóng góp tài chính của V4 sẽ được chuyển đến Quỹ ủy thác khẩn cấp của châu Âu cho châu Phi, được thành lập cách đây 2 năm để hỗ trợ những nước châu Phi là nơi quá cảnh hoặc có người di cư.
Đến nay, Cộng hòa Séc đã đóng góp 1,66 triệu euro (khoảng 1,96 triệu USD) cho quỹ này và là một trong những nước có mức đóng góp lớn nhất ở Trung và Đông Âu. Đầu năm nay, Chính phủ Séc đã thông qua khoản đóng góp trị giá 25 triệu kuron (gần 1 triệu euro) cho lực lượng bảo vệ bờ biển Libya.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối tuần trước bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin những người di cư bị mua bán làm nô lệ ở Libya, đồng thời kêu gọi công lý cho các nạn nhân.
[Libya tăng cường tuần tra kiểm soát hoạt động buôn lậu và buôn người]
Trong một tuyên bố, Hội đồng Bảo an lên án việc mua bán người di cư, nêu rõ đây "là hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ngang với tội ác chống loài người." Tuyên bố kêu gọi nhà chức trách điều tra việc này ngay lập tức và trừng trị các thủ phạm.
Trước đó, Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và Liên minh châu Phi cũng đã nhất trí về một kế hoạch khẩn cấp nhằm triệt phá các đường dây buôn người và hồi hương những người di cư không được xét quy chế tị nạn./.