Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn người tị nạn toàn cầu tại Geneva, Thụy Sĩ, ngày 17/12, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia trên thế giới cùng chia sẻ trách nhiệm giải quyết tình trạng số người phải rời bỏ nhà cửa gia tăng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Guterres nhấn mạnh đây là thời điểm để đưa ra biện pháp ứng phó công bằng hơn đối với cuộc khủng hoảng người tị nạn thông qua việc chia sẻ trách nhiệm.
Theo thống kê, 80% người tị nạn trên thế giới đang sống tại các nước nghèo đói và các nước đang phát triển trong khi những nước này đang phải một mình hứng chịu gánh nặng về kinh tế và xã hội, do đó việc chia sẻ trách nhiệm là vấn đề ưu tiên trong các chương trình nghị sự.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng cả thế giới đang nợ lời cảm ơn đối với tất cả quốc gia và cộng đồng mở cửa chào đón lượng lớn người di cư, và trong bối cảnh tình hình thế giới rối ren như hiện nay, cộng đồng quốc tế phải hành động nhiều hơn để cùng chung sức giải quyết vấn đề người di cư.
Diễn đàn người tị nạn toàn cầu diễn ra đúng một năm sau khi Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cơ chế nhằm đảm bảo cách tiếp cận công bằng trong việc hỗ trợ người tị nạn và những cộng đồng tiếp nhân người di cư.
[Chính phủ Pháp hỗ trợ Hy Lạp tiếp nhận 400 người xin tị nạn]
Đây là lần đầu tiên một sự kiện như trên diễn ra, với sự tham gia của lãnh đạo các nước, các bộ trưởng, lãnh đạo doanh nghiệp, và cả người tị nạn nhằm mục đích đề xuất ý tưởng và đưa ra các cam kết hỗ trợ hiệu quả hơn.
Dự kiến, sự kiện này kéo dài đến ngày 18/12.
Tại diễn đàn này, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là sẽ hối thúc các nước giàu hơn chia sẻ trách nhiệm.
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tiếp nhận người di cư lớn nhất thế giới với hơn 3 triệu người, trong đó chủ yếu từ Syria.
Trước đó, trong một tuyên bố, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi cảnh báo thế giới đang bước vào thập kỷ của sự dịch chuyển, khi số người tị nạn tăng lên.
Ước tính vào cuối năm 2018, gần 71 triệu người đã buộc phải di tản do chiến tranh, bạo lực và ngược đãi, trong đó gần 26 triệu người đã vượt biên thành người tị nạn.
Liên hợp quốc kỳ vọng sẽ có thêm hàng trăm cam kết từ nhiều nước, tổ chức và doanh nghiệp, trong đó bao gồm quyên góp tài chính, hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật, hay sự thay đổi về pháp lý và chính sách, nhằm đảm bảo cuộc sống cho người tị nạn.
Liên hợp quốc còn mong muốn có thêm điểm tái định cư người tị nạn tại nước thứ ba cho những đối tượng dễ bị tổn thương, cũng như có thêm nhiều hành động nhằm đảo bảo những người tị nạn có thể hồi hương an toàn./.