Rạng sáng 24/11 (theo giờ Việt Nam), Costa Rica đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với cơn bão nhiệt đới Otto chuẩn bị đổ bộ vào bờ biển phía Bắc Caribe và các thành phố miền Bắc của nước này.
Trên tài khoản mạng xã hội Twitter chính thức của mình, Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solis đã công bố ban hành biện pháp trên, theo đó tất cả các văn phòng chính phủ đều sẽ đóng cửa trong các ngày 24 và 25/11, ngoại trừ một số đơn vị đối phó với bão Otto.
Trung tâm Dự báo bão quốc gia Mỹ (NHC) cho biết sau khi đã suy yếu thành một cơn bão nhiệt đới, bão Otto, trận bão mạnh thứ 7 trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2016, đã mạnh lên và có khả năng trở thành bão lốc tràn vào bờ biển Trung Mỹ.
Tính đến 19 giờ tối 23/11 theo giờ Mỹ (tức 7 giờ sáng theo giờ Việt Nam), tâm bão đang cách thành phố Limon của Costa Rica 230 km về phía Đông Bắc và cách thành phố Bluefields của Nicaragua 285km về phía Đông Đông Nam.
Hiện cơn bão có sức gió mạnh 110km/giờ và đang di chuyển theo hướng Tây với vận tốc gần 13km/giờ.
Dự báo, Otto sẽ đổ bộ vào bờ biển Thái Bình Dương của miền Nam Nicaragua hoặc miền Bắc Costa Rica vào rạng sáng 25/11.
Trước đó một ngày, tại buổi họp báo về tình hình khẩn cấp của cơn bão Otto, Tổng thống Solis cho biết chính phủ nước này đã ra lệnh sơ tán bắt buộc và ngay lập tức 4.000 người ở bờ biển phía Bắc Caribe tới các khu vực an toàn.
Không chỉ Costa Rica, một loạt các quốc gia Trung Mỹ khác có thể chịu ảnh hưởng của bão cũng ban hành lệnh sơ tán khẩn cấp.
Chính quyền Nicaragua đã ráo riết di chuyển 7.000 người, bao gồm cả khách du lịch, ra khỏi các khu vực nguy cơ cao.
Trong khi đó, Chính phủ Panama cũng ban bố lệnh cảnh báo "vàng" đồng thời ra lệnh đóng cửa các trường học trên cả nước sau khi có ít nhất 7 người thiệt mạng do mưa liên tục trong những ngày qua tại quốc gia này.
Các Chính phủ Guatemala và Honduras đã ban bố cảnh báo về cơn bão, đặc biệt là nguy cơ xảy ra lũ lụt và sạt lở đất ở các khu vực miền núi.
Hồi tháng 10 vừa qua, cơn bão Matthew đã khiến hơn 1.000 người chết, gây thiệt hại về vật chất lên tới hàng triệu USD khi đi đổ bộ vào khu vực Caribe, đặc biệt là tại Haiti, nơi sức gió lên tới 230 km/giờ./.