Các sắc màu địa chính trị trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump

Ông Trump đã từng công khai gọi Ấn Độ là một “vua thuế quan” đồng thời cáo buộc New Delhi đối xử “không công bằng” với Mỹ về thương mại.
Các sắc màu địa chính trị trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump ảnh 1Ngày 25/2/2020, tại New Delhi, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang ở thăm Ấn Độ. (Nguồn: THX/TTXVN)

Trang mạng của cơ quan nghiên cứu độc lập Observer Research Foundation có trụ sở ở Ấn Độ đánh giá chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump diễn ra trong tuần này không chỉ đơn thuần mang nội dung thương mại, mà còn mang các “sắc màu” địa chính trị khác.

Nội dung như sau:

Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vướng vào tranh cãi về những tranh chấp thương mại song phương.

Ông Trump đã công khai gọi Ấn Độ là một “vua thuế quan” đồng thời cáo buộc New Delhi đối xử “không công bằng” với Mỹ về thương mại.

[Hàn thử biểu cho mối quan hệ Mỹ-Ấn Độ]

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đã nhắm vào cả bạn bè và đối địch.

Hồi năm 2018, Mỹ đã khởi động cuộc chiến thương mại gần đây khi tăng thuế đối với sản phẩm nhôm và thép xuất khẩu của Ấn Độ năm 2018.

Các đòn thuế quan gia tăng chủ yếu nhằm vào Trung Quốc, song Ấn Độ và các nước khác cũng bị ảnh hưởng.

Đáp lại, New Delhi cũng áp đặt thuế cao hơn đối với một số sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, song chưa thực thi cho đến bước đi lớn tiếp theo khi Mỹ rút lại ưu đãi dành cho Ấn Độ theo Hệ thống Ưu đãi phổ cập (GSP), ảnh hưởng hàng hóa xuất khẩu của Ấn Độ trị giá hơn 6 tỷ USD.

New Delhi đáp trả bằng cách thực hiện áp thuế ở mức cao hơn đối với những mặt hàng nhập khẩu nhất định từ Mỹ, chủ yếu là hàng nông sản.

Gần đây hơn, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đơn phương loại Ấn Độ khỏi danh sách các nước đang phát triển theo tiêu chí của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cho rằng cần áp đặt thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm xuất khẩu của Ấn Độ vào Mỹ vì cho rằng các mặt hàng này đã nhận trợ cấp chính phủ.

Những hành động này đã gây tác động tiêu cực đối với hoạt động thương mại của Ấn Độ với Mỹ.

Rõ ràng, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đang nhắm vào New Delhi như một đối tác thương mại không công bằng mặc dù sự mất cân bằng thương mại của Mỹ với Ấn Độ không đáng là bao so với danh sách các nước mất cân bằng thương mại với Washington.

New Delhi đã bù trừ nhiều hơn cho Mỹ khi ngừng nhập khẩu mặt hàng năng lượng từ Iran. Điều này khiến lượng xuất khẩu dầu khí của Mỹ tăng vọt. Và theo quan điểm của New Delhi thì việc này đã góp phần điều chế sự mất cân bằng thương mại.

Mặc dù vậy, quan hệ quốc phòng song phương vẫn diễn ra sôi nổi. Ấn Độ đã tăng cường mua sắm thiết bị quốc phòng hiện đại lên tới khoảng 18 tỷ USD trong vòng 10 năm qua.

Washington cho rằng quan điểm của Ấn Độ về mối đe dọa cũng như chính sách của nước này khi đa dạng các nguồn mua sắm thiết bị quốc phòng sẽ khiến New Delhi hướng về Washington như một đối tác quốc phòng.

Cách hành xử gây hấn của Trung Quốc đối với khu vực láng giềng của Ấn Độ và Biển Đông là yếu tố hấp dẫn đối với mối quan hệ đối tác quốc phòng Mỹ-Ấn ngày càng gia tăng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Trump đến Ấn Độ với tâm thế hứng khởi sau quá trình điều tra luận tội.

Thượng viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã tha bổng cho ông Trump sau khi Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu luận tội ông.

Chiến thắng này đối với ông Trump có thể tạo nên một cú hích cho chiến dịch tái tranh cử của ông năm nay.

Sự kiện với sự tham gia của đông đảo người dân Ấn Độ tại sân vận động Motera mang tên “Namaste Trump” (tức Xin chào ông Trump), là cử chỉ đáp lại của Thủ tướng Modi khi ông được người dân Mỹ (gốc Ấn) chào đón trong một sự kiện mang tên “Howdy Modi” khi đến Mỹ.

Sự kiện này sẽ tạo thêm động lực cho nền tảng cử tri của ông Trump trong số 4 triệu người Mỹ gốc Ấn đang sinh sống ở Mỹ.

Ở một mức độ nào đó, ông Modi và ông Trump đang củng cố cho nhau về mặt chính trị.

Rõ ràng, chuyến thăm Ấn Độ lần này của Trump sẽ hướng đến việc hình thành một nhân tố “tích cực.”

Mặc dù hai bên chưa ký được thỏa thỏa thuận thương mại trong chuyến thăm lần này song một thỏa thuận giới hạn có thể sẽ được đưa ra và được công bố trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Nếu ông Trump tái đắc cử thì mối quan hệ Mỹ-Ấn sẽ phải vướng vào những vấn đề thương mại trong vòng 5 năm tới.

Hai nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tranh cãi về nhiều vấn đề trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ của mỗi bên đều tồn tại những vấn đề gây tranh cãi.

Chuyến thăm rầm rộ này che đậy những bất đồng về các vấn đề thương mại vốn chắc chắn diễn ra ở “sau cánh gà” song có thể được kìm nén lại trong chuyến thăm này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục