Các thủ đoạn nhắn tin lừa đảo trên Facebook ngày càng tinh vi

Người dân cần đặc biệt cảnh giác với những tin nhắn không rõ nguồn gốc, không khai báo thông tin vào các đường link dẫn bởi đó rất có thể là “bẫy” của tin tặc.
Các thủ đoạn nhắn tin lừa đảo trên Facebook ngày càng tinh vi ảnh 1Kẻ gian lợi dụng sự phổ biến của Facebook tại Việt Nam để phát tán thông tin lừa đảo. (Ảnh: Vietnam+)

Người dân cần đặc biệt cảnh giác với những tin nhắn không rõ nguồn gốc, không khai báo thông tin vào các đường link dẫn bởi đó rất có thể là “bẫy” của tin tặc.

Giả danh Facebook

Ngày 16/4, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus nhận được phản ánh của một số người dùng Facebook Messenger về việc họ nhận được tin nhắn thông báo nhận được giải Nhất trong một sự kiện do Tập đoàn Facebook tổ chức trị giá là 1 chiếc xe máy Honda SH 150 I và 1 phiếu quà tặng trị giá 200 triệu đồng… tiền mặt.

Đáng chú ý, trong nội dung tin nhắn, người gửi đã ghi đích danh tên người nhận cũng như giới tính của họ để bảo đảm độ tin cậy.

[Khi Facebook trở thành công cụ lan truyền tin thất thiệt]

Người gửi đã thông báo người dùng nọ “mang mã số trúng thưởng là VN7979 may mắn được hệ thống lựa chọn ngẫu nhiên, xác nhận là tài khoản đã trúng thưởng.”

Sau đó, tin nhắn còn hướng dẫn người dùng truy cập vào website GiaiThang4. Com (viết liền nhau, không dấu) để đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận thưởng. Hoặc, người dùng vào Google gõ tìm kiếm “GiaiThang4. Com” và chọn kết quả tìm kiếm đầu tiên.

Thậm chí, người nhắn tin còn để lại số điện thoại “tổng đài” (08) 888 41… để liên hệ. Cùng lúc tin nhắn cũng đề nghị người dùng “không cung cấp mã dự thưởng này cho bất kỳ ai và sẽ không có ai từ Facebook yêu cầu cung cấp mã này.”

Thoạt nhìn, các ký tự trong nội dung tin nhắn nói trên dùng ký tự chữ hoa, thường bừa bãi. Dòng địa chỉ mang tên website không viết liền như thông thường.

Chúng tôi đã liên hệ với số điện thoại để lại trong tin nhắn và một giọng nam trả lời cứ vào website đăng ký là có thể nhận thưởng.

Một người dùng nhận được nội dung tin nhắn này cho biết, tin nhắn này được gửi từ một tài khoản có tên là “Thư gửi bạn.” Tuy nhiên, tài khoản này có hình ảnh đại diện của một người bạn và nội dung những tin nhắn của hai người trước thời điểm thông báo kia xuất hiện vẫn được giữ nguyên. Liên lạc với người từng sở hữu Facebook đó, chị nhận được thông tin đã từ lâu anh không truy cập…

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, đại diện truyền thông của Facebook cho biết bản chất mạng xã hội này là nền tảng kết nối mọi người, để mọi người giao tiếp. Các chương trình khuyến mại là do các cơ quan tổ chức đưa ra chứ bản thân Facebook không đưa ra bất kỳ chương trình khuyến mại nào.

Phía Facebook đã đưa ra khuyến cáo nhằm giúp người dùng hạn chế spam và tránh bị lừa đảo trên mạng xã hội này tại đây.

Hacker dùng “một mũi tên bắn hai đích”

Thực tế cho thấy, các chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội này không phải là hiếm. Tuy nhiên, việc người dùng nhẹ dạ và tin vào lời kẻ gian dẫn dễ đến việc tự tay “dâng” thông tin cho tin tặc. Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus cũng từng chứng kiến có người dân ở vùng xa (đặc biệt là những người có tuổi) vẫn thường lầm tưởng thông tin này là đúng và có thể làm theo hướng dẫn.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, có nhiều trường hợp kẻ gian dùng chính những đường link trong tin nhắn để phát tán mã độc, virus vào máy tính của nạn nhân. Hoặc, từ việc khai báo thông tin, nạn nhân có thể bị kẻ gian dùng chính thông tin ấy để tiến hành các hoạt động lừa đảo sau này.

[Facebook lên tiếng về mã độc đào tiền ảo lây lan qua Messenger]

Ở trường hợp nói trên, chúng tôi đã liên hệ và được chuyên gia của Tập đoàn Công nghệ Bkav phân tích.

Các thủ đoạn nhắn tin lừa đảo trên Facebook ngày càng tinh vi ảnh 2Sau khi điền 11 thông tin, gồm cả mật khẩu Facebook, kẻ gian sẽ yêu cầu người dùng phải trả tiền để "hoàn thiện hồ sơ nhận thưởng" như trong ảnh. (Nguồn: Bkav/Vietnam+)

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho hay, sau khi truy cập, trang web giaithang4.com yêu cầu điền 11 thông tin, trong đó có mục điền mật khẩu Facebook.

Tiếp theo, trang web này yêu cầu người dùng phải trả lệ phí làm hồ sơ nhận thưởng trị giá 2 triệu đồng, qua thẻ cào điện thoại.

Như vậy, một mặt kẻ gian có thể lừa người dùng nạp thẻ, mặt khác có thể lấy cắp tài khoản Facebook của người dùng để tiến hành những hoạt động tấn công sau này.

[Xuất hiện thông tin ‘hù dọa’ đóng cửa Facebook của người dùng]

Trong một lần trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, chuyên gia của CMC InfoSec khuyến nghị người dùng không click vào các link không rõ nguồn gốc trên new feed hoặc qua Facebook Messenger từ người lạ; không chia sẻ các thông tin về mật khẩu với bạn bè, người thân qua các đoạn chat trên Facebook Messenger bởi tin tặc có thể lợi dụng các lỗ hổng của Facebook để giải mã các đoạn chat và tìm kiếm thông tin chúng cần.

Cùng lúc, người dùng cần cẩn thận khi tải về và sử dụng các ứng dụng yêu cầu truy cập qua Facebook hoặc Gmail; không nên làm bạn và đồng ý với tất cả các yêu cầu kết bạn và tin nhắn mời chào từ người lạ qua Facebook và Facebook Messenger bởi đây có thể là cái bẫy mà tin tặc đặt ra.

Trong khi đó, ông Ngô Tuấn Anh từng nhận định, ý thức bảo mật thông tin cá nhân của người dùng có cải thiện, tuy nhiên mức độ “dễ dãi” trong quá trình sử dụng Facebook vẫn ở mức cao.

Do đó, chuyên gia này khuyến nghị người dân khi tham gia mạng xã hội cần xây dựng cho mình khả năng đề kháng trước các thông tin giả mạo bằng cách biết đặt ra nghi vấn, chủ động kiểm chứng khi nhận được thông tin từ nguồn không tin tưởng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục