Các tổ chức nước ngoài góp phần xóa đói nghèo

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định các dự án do tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ tại Việt Nam đã đóng góp thiết thực cho mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa - nơi tập trung nhiều hộ nông dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định các dự án do tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ tại Việt Nam đã đóng góp thiết thực cho mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa - nơi tập trung nhiều hộ nông dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số.
 
Tại buổi họp Đối thoại hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức ở Hà Nội ngày 23/3, Bộ trưởng đã kêu gọi các tổ chức phi chính phủ tiếp tục hỗ trợ ngành nông nghiệp, đồng thời nêu lên những lĩnh vực cần được ưu tiên hỗ trợ như khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dự báo về xu hướng thị trường nông sản, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh gia súc, cây trồng, hỗ trợ các huyện có tỷ lệ hộ đói nghèo cao trên 50%; bảo vệ môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Thực tế hiện nay, nguồn vốn ODA cho Việt Nam cũng trong xu thế giảm dần của thế giới, nhưng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài lại ngày càng tăng. Tổng kinh phí viện trợ này đã tăng từ 20 triệu USD/năm trong giai đoạn 1986-1990 lên 260 triệu USD trong năm 2008. Hiện Việt Nam có quan hệ với 650 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, trong đó có khoảng 500 tổ chức cam kết hỗ trợ dài hạn.
 
Theo Ban Điều phối Viện trợ nhân dân (PACCOM), hiện tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều có chương trình, dự án viện trợ của các tổ chức phí chính phủ nước ngoài được triển khai thuộc nhiều lĩnh vực.
 
Các khoản viện trợ tập trung chủ yếu vào ngành y tế, giáo dục, giải quyết các vấn đề xã hội và phát triển kinh tế. Nguồn vốn này cũng được ưu tiên nhiều hơn cho các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi bị ảnh hưởng nặng của chiến tranh.
 
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, báo cáo đầu tiên về nghiên cứu vai trò của các tổ chức phi chính phủ quốc tế đối với ngành nông nghiệp cho thấy các dự án này có cách tiếp cận dựa vào cộng đồng nên mục tiêu thường gắn liền với mong muốn của người dân, hầu hết đều đạt hiệu quả cao.
 
Tuy nhiên, nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thực hiện với sự giúp đỡ của Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) này cũng chỉ ra rằng vì những bất cập trong cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý ngành với cơ quan thực hiện dự án và các tổ chức phi chính phủ nên một số dự án chưa hoàn toàn phù hợp với chính sách, chiến lược quy hoạch tổng thể của ngành.
 
Cũng tại buổi đối thoại, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết với chủ trương phát huy tối đa mọi nguồn lực cho phát triển xã hội, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để tạo hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cũng như việc triển khai các dự án viện trợ tại Việt Nam.
 
Là ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng ở Việt Nam, trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng về giá trị gia tăng, năm 2007 đạt 3,44% và năm 2008 đạt xấp xỉ 3,8%. Tuy vậy, đây cũng là lĩnh vực đang phải gánh chịu nhiều tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay./.
 
Ngọc Dung (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục