Tù nhân làm chứng

Các tù nhân sống sót làm chứng xét xử Khmer Đỏ

Ba nạn nhân may mắn sống sót tại nhà tù khét tiếng Tuol Sleng đã lần lượt ra làm chứng trước phiên tòa xét xử Khmer Đỏ.
Theo tin nước ngoài, liên tục trong ba ngày qua, ba nạn nhân may mắn sống sót tại nhà tù khét tiếng Tuol Sleng đã lần lượt ra làm chứng trước phiên tòa xét xử Khmer Đỏ với những lời kể gây xúc động dư luận.
 
Sáng 1/7, ông Bou Meng, 68 tuổi, đã đòi "đao phủ" nhà tù Tuol Sleng là Kaing Guek Eav (biệt danh là Duch), khai báo chuyện vợ ông bị hành hình như thế nào. Theo lời kể của nhân chứng này, ông làm việc tại một trường kỹ thuật, rồi bị bắt đi đào kênh, làm thuỷ lợi và trồng rau.
 
Năm 1977, hai vợ chồng ông được chuyển đến nhà tù Tuol Sleng và bị tra tấn dã man. Ông đã bị đánh đập để buộc phải thừa nhận là nhân viên của CIA mặc dù ông không biết gì về tổ chức này. Ông may mắn hơn vợ khi không bị bỏ xác trong nhà tù, nơi đã chôn vùi hơn 16.000 nạn nhân vô tội.
 
Trước đó, ngày 30/6, nhân chứng Chum Mey, 79 tuổi, đã khai trước tòa rằng thời gian bị giam tại nhà tù Tuol Sleng, ông đã bị tra khảo để phải tự nhận là mật vụ của KGB và CIA. Khmer Đỏ đã dùng điện giật và kìm rút móng chân ông. Cuộc tra khảo kéo dài 12 ngày, cuối cùng do không chịu nổi những trận đòn dã man, ông đành phải nhận mình có làm việc cho KGB và CIA dù đó là lời khai giả dối.
 
Đứng trước tòa, ông Chum Mey đã cởi đôi dép ra cho mọi người thấy các ngón chân đen đã biến dạng không giống những ngón chân bình thường. Hàng ngày, ông đều khóc vì nhớ thương vợ con đã bị thảm sát dưới tay Khmer Ðỏ.
 
Trong khi đó, khi ra làm chứng trước tòa ngày 29/6, ông Van Nath, 63 tuổi, nói rằng ông sống sót được trong nhà tù Tuol Sleng là nhờ vẽ tranh tuyên truyền cho chế độ.
 
Theo lời nhân chứng này, khẩu phần ăn trong nhà tù rất ít, mỗi bữa mỗi tù nhân chỉ được 3 thìa bột, nên phải bắt côn trùng ăn cho đỡ đói. Nhiều tù nhân không chịu nổi đã chết trong khi đang bị xiềng chân.
 
Tại nhà tù Tuol Sleng, tất cả tù nhân đều bị chụp hình làm hồ sơ và mọi người phải mặc quần áo bà ba đen. Hiện các bức ảnh của các tù nhân vẫn được trưng bày tại Viện Bảo tàng diệt chủng ở thủ đô Phnom Penh./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục