Cách chức Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam

Người đứng đầu Chi cục Thủy sản Quảng Nam, bà Phạm Thị Hoàng Tâm, bị cách chức vì không ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật trong một vụ việc gây thiệt hại tiền của Nhà nước hơn 3 tỷ đồng.
Cách chức Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam ảnh 1Trụ sở Chi cục Thủy sản Quảng Nam. (Nguồn: vietnamnet.vn)

Ngày 9/11, ông Nguyễn Như Công, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết: Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Trí Thanh đã có quyết định số 3248/QĐ-UBND ngày 8/11 về việc kỷ luật cách chức đối với bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam.

Với vai trò là người đứng đầu Chi cục Thủy sản Quảng Nam, bà Phạm Thị Hoàng Tâm để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi phụ trách mà không có biện pháp ngăn chặn, gây hậu quả rất nghiêm trọng và vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Liên quan sai phạm tại Chi cục Thủy sản Quảng Nam, tháng 5/2020, Công an tỉnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Quốc Việt, 57 tuổi, Trưởng phòng Tàu cá và Dịch vụ tàu cá của Chi cục về tội "nhận hối lộ."

Cùng bị khởi tố tội trên nhưng Nguyễn Huỳnh Nam, 40 tuổi, Phó phòng Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản bị cấm đi khỏi nơi cư trú vì đã khắc phục hậu quả và thành khẩn khai báo.

[Khởi tố một tổng giám đốc công ty xây dựng lừa đảo gần 1 tỷ đồng]

Cơ quan điều tra xác định Việt và Nam liên quan đến việc 20 ngư dân ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, lợi dụng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển để trục lợi hơn 3 tỷ đồng.

Liên quan vụ án, tháng 11/2019, Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố 20 bị can là ngư dân ngụ huyện Duy Xuyên về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản."

Theo hồ sơ, từ đầu năm 2019 đến khi bị phát hiện, các đối tượng là chủ tàu (có hộ khẩu tại huyện Duy Xuyên) không thực hiện việc đánh bắt xa bờ. Tuy nhiên, họ gửi khống danh sách thuyền trưởng và thuyền viên cho các đơn vị chức năng xác nhận.

Đồng thời, các chủ tàu mở niêm phong máy định vị tầm xa gửi cho các tàu đi đánh bắt xa bờ để các tàu cá này đến khu vực vùng khơi có tọa độ được Nhà nước quy định hỗ trợ tiền nhiên liệu. Sau đó, các chủ tàu nhắn tin gửi đến cơ quan chức năng để xác nhận vị trí chuyến đi nhằm làm thủ tục thanh toán tiền hỗ trợ nhiên liệu.

Mỗi chuyến, chủ tàu được thanh toán từ 75 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Ban đầu, cơ quan điều tra xác định thiệt hại tiền của Nhà nước hơn 3 tỷ đồng, đến tháng 11/2019 đã thu hồi trên 2,4 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục