Theo trang mạng eastasiaforum.org, từ cuối những năm 1990, Nhật Bản đã thúc giục Mỹ cứng rắn hơn với Trung Quốc. Có lẽ, từ chính lịch sử của mình, Mỹ đã mong đợi Trung Quốc cuối cùng sẽ chuyển đổi thành một nền dân chủ tự do.
Tuy nhiên, Nhật Bản lại chưa bao giờ lạc quan như vậy. Bởi hiểu rõ rất khó để áp đặt một số giá trị đối với Trung Quốc, nên Nhật Bản từ lâu đã nhận ra rằng cần phải thuần phục "con rồng" này, thay vì cô lập nó.
Trong thập kỷ 90 của thế kỷ trước, mối quan hệ được trông đợi giữa Nhật Bản và Trung Quốc được mô tả bằng hai từ "hòa bình" và "hữu nghị." Không hy vọng Trung Quốc sẽ trở thành một nước dân chủ tự do, song tồn tại sự thừa nhận rằng mối quan hệ ổn định giữa hai nước là cần thiết cho sự thịnh vượng chung của hai bên và cũng như đối với khu vực.
Khi Nhật Bản nhận thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể gây ra những tiềm ẩn địa chính trị to lớn, có nguy cơ làm biến đổi trật tự khu vực theo hướng có lợi cho tham vọng địa chính trị của Trung Quốc, Tokyo đã một lần nữa cố gắng thuần phục "con rồng" bằng cách đạt được "mối quan hệ hai bên cùng có lợi trên cơ sở lợi ích chiến lược chung."
Nhật Bản đã sớm đúc kết được chính sách này do nhận thức được "những hiểm họa gây ra bởi sự gần gũi về mặt địa lý."
Thời điểm Tokyo xác định chính sách đó đúng vào lúc cả thế giới đang chú ý vào sự trỗi dậy của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu. Không phải tất cả các nước đều lạc quan về sự trỗi dậy này - khái niệm "phòng bị nước đôi" luôn hiện hữu đối với các nước.
Tuy nhiên, thay vì cô lập Trung Quốc, mục tiêu của chiến lược phòng bị nước đôi là nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sự can dự.
[Nhật Bản-Trung Quốc hội đàm về quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông]
Mặc dù thuật ngữ "G2" chưa bao giờ có vị trí chính thức trong chính sách của Mỹ, song chính quyền Washington thời Tổng thống Barack Obama ban đầu đã đặt tham vọng vào cách tiếp này đối với Trung Quốc, xem Bắc Kinh như một đối tác toàn cầu đáng tin cậy đầy tiềm năng.
Các nước dân chủ phương Tây khác chỉ nhìn nhận sự trỗi dậy của Trung Quốc trên phương diện mở rộng quan hệ thương mại. Các nước trong khu vực thì có quan điểm hỗn hợp, song lại khá im ắng trong việc bày tỏ nghi ngờ về những ý định của Trung Quốc. Nhật Bản thường là điển hình trong số các nước bày tỏ quan ngại về những tham vọng bá chủ của Trung Quốc, đặc biệt là đối với những hành động của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông.
Mặc dù Nhật Bản có nhiều bạn bè và đối tác trong khu vực, song Tokyo thường đơn độc trong việc bày tỏ quan ngại đối với những hành động của Bắc Kinh.
Tại một hội nghị khu vực đa phương “kênh 2” mà tác giả tham dự, khi ở bên ngoài hành lang phòng họp, các đại biểu đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về một đề xuất mà đoàn Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, tới phiên thảo luận chính thức, hầu hết các nước lại giữ im lặng, chỉ có Nhật Bản và Mỹ lên tiếng phản đối đề xuất này.
Mặc dù vậy, Nhật Bản vẫn tỏ rõ thái độ phản đối tham vọng bá chủ của Trung Quốc ở khu vực. Nhật Bản chưa bao giờ cảm thấy họ có thể đơn phương làm việc này, qua đó khiến Tokyo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành đối tác đồng minh bền chặt của Mỹ.
Sự quyết đoán ngày càng tăng của Nhật Bản trong các vấn đề an ninh quốc gia thường được nhìn nhận là chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy. Tuy nhiên, có thể thấy Nhật Bản hầu như luôn theo đuổi sự quyết đoán này khi củng cố liên minh với Mỹ và khẳng định cam kết của Washington bằng cách bày tỏ quyết tâm của Tokyo luôn nỗ lực hết sức trong khuôn khổ pháp lý hiện tại.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, ngoại trừ giai đoạn dưới chính quyền Yukio Hatoyama, chính sách đối ngoại của Nhật Bản luôn nhất quán trong việc theo đuổi mục tiêu kép là củng cố liên minh an ninh Mỹ-Nhật trong khi duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc.
Lập trường chính sách này giờ đây có thể không còn phù hợp do Mỹ tỏ thái độ cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, và Bắc Kinh muốn phản kháng lại.
Một loạt các bài phát biểu gần đây của các quan chức cấp cao Mỹ gồm Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Bộ trưởng tư pháp William Barr, Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) Christopher Wray và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã vượt xa mong đợi của Tokyo đối với Washington trong việc đối đầu với Bắc Kinh.
Thông điệp gay gắt một cách không cần thiết của Ngoại trưởng Pompeo là chiến dịch chống Đảng Cộng sản Trung Quốc về mặt ý thức hệ. Tiếp nữa, các động thái gần đây của Trung Quốc ở Hong Kong và Biển Đông, việc bắt giữ hàng loạt người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, việc gia tăng sức mạnh quân sự và các cuộc tấn công mạng bằng mã độc thực sự đã phân loại Trung Quốc vào một hạng riêng, không giống như một nước đang phát triển vẫn cảm thấy bất an cho vị thế của mình.
Trong cuộc cạnh tranh này, Nhật Bản đã chọn phe cho mình và không ngần ngại công khai điều này. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Nhật Bản hoàn toàn thấy thoải mái với quan điểm của chính quyền đương nhiệm hay bất kỳ chính quyền nào của Mỹ.
Một chính sách mang tính diều hâu hơn của Mỹ có thể đồng nghĩa với việc Nhật Bản không còn phải lo lắng về các cam kết an ninh của Mỹ, và những khó khăn với Mỹ có thể khiến Trung Quốc theo đuổi một quan hệ êm ả hơn với Nhật Bản. Thế nhưng, cán cân mong manh này có thể dễ dàng mất thăng bằng bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều không kiểm soát được trạng thái đối đầu giữa hai bên.
Chuyến thăm gần đây tới Washington của Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds để tham dự hội đàm thường niên "2+2" có thể phù hợp với Nhật Bản để định hướng chính sách tương lai của mình. Hai bộ trưởng Australia đều nhất trí với Mỹ về vấn đề Trung Quốc trong khi vẫn thể hiện quan điểm của Canberra.
Không có gì phóng đại nếu nói rằng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới là một sự bấp bênh địa chính trị lớn. Mặc dù thái độ "cứng rắn" với Trung Quốc giờ đây sẽ thường trực trong chính sách của Mỹ, song mức độ cụ thể hóa thái độ này trong chính sách lại có thể khác nhau rất lớn.
Thách thức mang tên Trung Quốc là chắc chắn, nhưng chính sách của Mỹ về Trung Quốc sau tháng 1/2021 thì không. Mặc dù ông Pompeo kêu gọi đồng minh tham gia chiến dịch chống Đảng Cộng sản Trung Quốc, song sẽ là khôn ngoan nếu Nhật Bản giữ một khoảng cách thông minh với chiến dịch này và xây dựng chính sách "cứng rắn" của riêng mình đối với Trung Quốc./.