Cách Trump "chia rẽ" Mexico và Canada trong đàm phán NAFTA

Chiến thắng của tân Tổng thống Mexico Lopez Obrador đã giúp Tổng thống Mỹ Trump có cơ hội chia rẽ Mexico và Canada, đồng thời có thể thúc đẩy các thỏa thuận theo hướng song phương như ông vẫn muốn.
Cách Trump "chia rẽ" Mexico và Canada trong đàm phán NAFTA ảnh 1Tổng thống đắc cử Mexico Andrés Manuel López Obrador phát biểu tại cuộc họp báo ở Mexico City ngày 22/7. (Ảnh: EFE/TTXVN)

Reuters đưa tin, chỉ 1 ngày sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mexico, Andres Manuel Lopez Obrador đã nhận được lời chúc qua điện thoại từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, ngoài việc hoan nghênh kết quả này, nhà lãnh đạo Mỹ còn có một mục đích quan trọng hơn: Liệu vị tổng thống mới của Mexico có sẵn lòng xem xét một thỏa thuận thương mại song phương (với Mỹ) hay không?

Theo lời Hector Vasconcelos, cố vấn chính sách đối ngoại cho chiến dịch tranh cử của ông Lopez Obrador, người đã nghe cuộc điện thoại ngày 2/7, nhà lãnh đạo cánh tả đã tỏ ra cởi mở với đề xuất của người đứng đầu Nhà Trắng, thay vì tiếp tục thỏa thuận ba bên bao gồm cả Canada.

Câu trả lời của Lopez Obrador đánh dấu bước ngoặt quan trọng sau một năm diễn ra các cuộc tái đàm phán căng thẳng giữa Mỹ, Canada và Mexico nhằm sửa đổi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

[Tổng thống Mỹ ca ngợi Canada, Mexico là đối tác thương mại "tuyệt vời"]

Cho tới nay, Mexico và Canada vẫn phối hợp với nhau để cùng chống lại ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Mỹ trong bối cảnh Tổng thống Trump đòi hỏi phải có những điều khoản có lợi hơn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới và không ngừng gọi NAFTA là thảm họa đối với người lao động Mỹ.

Tuy nhiên, chiến thắng của Lopez Obrador, ứng cử viên đối lập cánh tả, đã giúp Trump có cơ hội chia rẽ Mexico và Canada, đồng thời có thể thúc đẩy các thỏa thuận theo hướng song phương như ông vẫn muốn.

Theo nhiều cá nhân có liên quan tới các cuộc đàm phán, thay đổi trong lập trường của Mexico diễn ra trong bối cảnh phe cánh tả chuẩn bị lên nắm quyền và chính quyền sắp mãn nhiệm nhận ra rằng việc có được một thỏa thuận với Mỹ trước thời điểm chuyển giao đều là lựa chọn có lợi cho chính họ.

Chính quyền mới của Lopez Obrador muốn nhanh chóng gạt bỏ các xung đột với Trump để tập trung vào vấn đề đối nội.

Ba quan chức cấp cao trong chính quyền sắp nhậm chức cho biết tổng thống mới đắc cử của Mexico - người không mấy hào hứng với các mối quan hệ đối ngoại - muốn tránh vướng vào việc phải xử lý một cuộc đàm phán thương mại phức tạp do người tiền nhiệm để lại.

Trong khi đó, chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Pena Nieto muốn đảm bảo những thành quả mong manh đạt được trong suốt 2 năm tiến hành các cuộc đàm phán khó khăn, một tiến trình đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình đầu tư và đồng nội tệ peso của Mexico.

Luật pháp Mexico cấm tổng thống tái tranh cử, và ứng cử viên được ông Pena Nieto ủng hộ đã thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử hồi tháng Bảy.

Trong suốt phần lớn các cuộc đàm phán, Chính quyền Pena Nieto luôn khẳng định rằng nếu phối hợp cùng nhau, Canada và Mexico sẽ có thêm nhiều ảnh hưởng trong tiến trình đàm phán vốn đang nghiêng về phía Trump.

Cả hai nền kinh tế này đều lệ thuộc vào các thị trường tiêu thụ tại Mỹ, với 80% số hàng hóa xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ, trong khi con số này của Canada là 75%. Trong khi đó, chưa đến 1/3 hàng hóa xuất khẩu của Mỹ là được đưa sang hai thị trường Mexico và Canada.

Ngày 27/8, chưa đầy 2 tháng sau cuộc điện thoại của Trump với Lopez Obrador, các nhà đàm phán của Mỹ và Mexico đã bắt đầu xúc tiến một thỏa thuận. Moises Kalach, Giám đốc phụ trách đàm phán quốc tế của khối vận động doanh nghiệp CCE, đại diện khu vực tư nhân Mexico trong các cuộc đàm phán về NAFTA, nói: “Mexico phải quan tâm và bảo vệ chính mình.”

Cách Trump "chia rẽ" Mexico và Canada trong đàm phán NAFTA ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc gặp Thủ tướng Canada Justin Trudeau tại Washington, DC., ngày 11/10/2017. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Giới chức Mexico cho biết chính Canada trước đây từng ngỏ ý rằng họ cũng sẽ cân nhắc giải pháp tương tự.

[Ông Trump: Chiến thuật cứng rắn là mô hình đàm phán thương mại]

Hồi đầu năm, Đại sứ Canada tại Washington David MacNaughton từng công khai nói rằng Canada sẽ lựa chọn thỏa thuận ba bên hay song phương tùy thuộc lợi ích của mình.

Thỏa thuận Mỹ-Mexico đã khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị của Canada phải gia tăng áp lực kêu gọi Thủ tướng Justin Trudeau xúc tiến một thỏa thuận với Mỹ.

Thực tế, Mexico đã khiến vị thế đàm phán của Canada suy yếu khi họ tự ý nhượng bộ một số vấn đề quan trọng đối với Ottawa, như cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các thành viên NAFTA - được biết đến với tên gọi Chương 19 - cơ chế mà giới chức Canada cho là có thể ngăn ngừa các hành vi thương mại thiếu công bằng.

Canada vận dụng điều này để bảo vệ ngành xuất khẩu gỗ trước cáo buộc của Mỹ về việc ngành công nghiệp này được trợ giá thiếu công bằng. Canada cũng phản đối yêu cầu của Mỹ về việc mở cửa ngành sản xuất bơ sữa cho các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ.

Trong khi đó, Tổng thống Trump hiện đang vấp phải phản ứng từ một số thành viên của đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ, những người vẫn ủng hộ một thỏa thuận ba bên, và cùng với đó là nguy cơ các ứng cử viên của đảng này có thể thua trong cuộc bầu cử giữa nhiệm vào ngày 6/11 tới và để mất thế đa số tại Hạ viện hoặc Thượng viện Mỹ.

Theo ông Kalach, việc có được một thỏa thuận với Mexico có thể giúp ích khá nhiều cho đảng Cộng hòa trong các cuộc bầu cử tới bởi nhiều bang từng giúp Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, nhất là những bang có thế mạnh nông nghiệp, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu thương mại với Mexico bị gián đoạn.

Thực tế các mối quan hệ cá nhân cũng giúp lộ trình thỏa thuận Mỹ-Mexico có nhiều thuận lợi. Trong số các quan chức chịu trách nhiệm về các cuộc đàm phán có Luis Videgaray, hiện là Ngoại trưởng trong chính quyền sắp mãn nhiệm.

Ông Videgaray có mối quan hệ khá gần gũi với con rể, đồng thời là cố vấn của Tổng thống Trump Jared Kushner.

Theo các quan chức có liên quan, sự hiện diện của nhà đàm phán hàng đầu trong đội ngũ của ông Lopez Obrador là Jesus Seade cũng sẽ tạo thuận lợi cho tiến trình đàm phán.

Tổng thống Pena Nieto cần hoàn tất thỏa thuận trước cuối tháng Tám vừa qua bởi việc bỏ lỡ thời hạn này đồng nghĩa ông sẽ không thể ký hoàn tất nó trước khi rời nhiệm sở vào ngày 30/11 do Quốc hội cần 90 ngày để xem xét và thông qua thỏa thuận.

Sự nhất trí của hai bên về thời hạn kể trên đã giúp dẫn đến một số thành quả nhất định. Các nhà đàm phán Mexico đã thuyết phục Washington từ bỏ yêu cầu cắt nhập khẩu thực phẩm thời vụ và duy trì cơ chế miễn trừ thuế theo ưu đãi của NAFTA.

Mỹ cũng nhiều khả năng sẽ giữ được nhiều việc làm trong ngành sản xuất ôtô sau khi Mexico nhất trí áp tiêu chuẩn lương tối thiểu trong lĩnh vực này - ít nhất 16 USD/giờ cho khoảng 40-50% công nhân, cao gấp 5 lần số tiền mà hầu hết các lao động nhận được hiện nay.

Đối với Mexico, việc thúc đẩy thỏa thuận mà không có sự phối hợp với Canada có thể được xem là bước nhượng bộ quan trọng trong việc mở cửa thỏa thuận mới với Mỹ.

Ông Kalach nói: “Chúng tôi phải quyết định xem liệu chúng tôi có muốn thúc đẩy một thỏa thuận bảo vệ các lợi ích của đất nước này, hay mạo hiểm các lợi ích ấy bằng việc chờ đợi Canada? Tôi cho rằng trong hoàn cảnh này, Canada cũng sẽ làm tương tự”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục