Cách Trung Quốc triển khai quyền lực mềm để hỗ trợ BRI tại Indonesia

Trung Quốc coi Indonesia là một quốc gia có vai trò quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) vì Indonesia có vị trí địa lý dọc theo các tuyến hàng hải quan trọng của sáng kiến này.
Cách Trung Quốc triển khai quyền lực mềm để hỗ trợ BRI tại Indonesia ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Cgtn.com)

Theo bài viết đăng trên The ASEAN Post, đầu tháng 9/2020, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, Trung Quốc đã tổ chức một sự kiện triển lãm với tên gọi "Indonesia tuyệt vời" tại buổi Giao lưu Văn hóa Quốc tế tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Triển lãm này giới thiệu nền văn hóa đa dạng của Indonesia, từ thực phẩm và đồ uống như cà phê, dừa tươi đến các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Indonesia như vải Batik.

Sự kiện này đã minh chứng cho mối quan hệ quyền lực mềm đang phát triển giữa mạnh mẽ Jakarta và Bắc Kinh trong những năm gần đây.

Mặc dù không được báo cáo đầy đủ, nhưng mối quan hệ đối tác này đã tăng cường hơn rất nhiều kể từ khi Trung Quốc công bố sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) vào năm 2013. Điều này không chỉ liên quan đến mối quan hệ văn hóa ngày càng tăng mà còn là sự trao đổi thường xuyên giữa hai bên trên lĩnh vực giáo dục và giao lưu nhân dân.

Trung Quốc coi Indonesia là một quốc gia có vai trò quan trọng trong BRI, vì Indonesia có vị trí địa lý dọc theo các tuyến hàng hải quan trọng của sáng kiến này. Nhiều ý kiến trong nội bộ giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng chính sách của Bắc Kinh đối với Indonesia đang được thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ bằng các hoạt động hợp tác, giao lưu, trao đổi giữa hai bên trên mọi lĩnh vực.

Trong lịch sử quan hệ hai nước, mối quan hệ giữa Jakarta và Bắc Kinh đã có những thời điểm bị lu mờ rất nhiều. Điều này được đánh dấu bằng tâm lý "bài Trung" trong một bộ phận người dân Indonesia, những "di sản" của chế độ Suharto hay những bất đồng xung quanh vấn đề chủ quyền trên biển tại khu vực quần đảo Natuna của Indonesia…

Tuy nhiên, hai nước có những lợi ích phụ thuộc lẫn nhau. Việc thực hiện BRI, tăng cường kết nối và ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á của Trung Quốc đã đi kèm với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các lợi ích kinh tế cho Indonesia trong việc tiếp tục tham vọng biến "Xứ sở Vạn đảo" thành một "trục hàng hàng quốc tế" quan trọng. Quyền lực mềm ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các chính sách kinh tế bổ sung cho sáng kiến và tham vọng này.

Indonesia có thành kiến lâu đời với Trung Quốc, bắt nguồn từ tâm lý tiêu cực đối với người dân Indonesia gốc Hoa. Cho đến thời điểm hiện tại, tâm lý chống Trung Quốc vẫn còn rất phổ biến trong xã hội Indonesia. Tâm lý bài Trung càng gia tăng khi các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại Indonesia phát triển và bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Có nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các hành động chính sách đối nội và đối ngoại của Bắc Kinh đã ảnh hưởng rất lớn đến người Indonesia gốc Hoa tại Indonesia.

Trong bối cảnh đó, khi khởi xướng BRI, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng các hoạt động văn hóa để hiện thực hóa và làm mềm hình ảnh của Trung Quốc trên thế giới và tại Indonesia. Trọng tâm chiến lược chính được đề cập trong BRI nhấn mạnh trao đổi văn hóa là một phần quan trọng trong việc hiện thực hóa sáng kiến này.

[Tham vọng của Trung Quốc và mục tiêu của Mỹ ở Đông Nam Á]

Các hoạt động văn hóa đã được hai nước thể chế hóa với việc thành lập Diễn đàn văn hóa Trung Quốc-Indonesia đầu tiên vào tháng 1/2019.

Trong khuôn khổ thực hiện diễn đàn văn hóa này, hai bên còn xây dựng một trung tâm văn hóa trên diện tích hơn 10.000m2 tại Gunung Batur, đảo Bali của Indonesia để phục vụ cho hoạt động trao đổi văn hóa của nhân dân hai nước.

Ngoài ra, một trại trẻ mồi côi và một trường đại học đa ngôn ngữ (tiếng Anh, Bahasa Indonesia và Trung Quốc) cũng được hai bên triển khai xây dựng tại khu vực này.

Các hợp tác và trao đổi rộng rãi trong lĩnh vực phim ảnh, âm nhạc và tranh ảnh… cũng được hai bên phối hợp triển khai thường xuyên. Bên cạnh các sự kiện văn hóa, mối quan hệ quyền lực mềm giữa Indonesia và Trung Quốc, bao gồm các hoạt động giáo dục và văn hóa giữa hai nước ngày càng được gia tăng.

Trung Quốc tích cực thu hút sinh viên Indonesia đến Trung Quốc học tập thông qua việc cấp nhiều suất học bổng cho sinh viên Indonesia bằng nhiều sáng kiến khác nhau và phân bổ đều cho các trường đại học tại Indonesia. Do đó, Trung Quốc đã trở thành một điểm đến chính của giới trẻ Indonesia khi theo đuổi sự nghiệp du học.

Năm 2017, số lượng người Indonesia theo học tại các trường đại học Trung Quốc đạt 13.700 người và hàng năm tăng thêm khoảng 10%. Hai nước cũng đã ký một thỏa thuận tăng cường quan hệ đối tác giáo dục vào năm 2017. Đây là thỏa thuận quan hệ đối tác giáo dục thứ ba được hai bên ký kết sau khi hai bên hoàn tất thỏa thuận trao đổi học bổng năm 2015 và công nhận lẫn nhau về trình độ giáo dục bậc đại học vào năm 2016.

Quan hệ đối tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Trung Quốc và Indonesia đã bắt đầu từ năm 2000 với hình thức đào tạo tiếng Trung Quốc không chính thức. Tuy nhiên, khi vị thế kinh tế của Trung Quốc ngày càng quan trọng, người dân Indonesia càng quan tâm nhiều hơn đến việc học tiếng Trung Quốc. Do đó, nhiều trung tâm tiếng Trung Quốc đã được thành lập tại khắp lãnh thổ Indonesia.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thành lập nhiều Học viện Khổng Tử tại Indonesia dưới sự điều phối trung gian của Ban điều phối giáo dục ngôn ngữ Quan thoại Indonesia. Cùng với việc quảng bá và giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc, Học viện Khổng Tử này cũng tiến hành nhiều hoạt động trao đổi và quảng bá văn hóa Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng liên tục đẩy mạnh quan hệ đối tác giáo dục chính thức với Indonesia. Các hoạt động giao lưu giữa học sinh-giáo viên ngày càng được thực hiện nhiều hơn nhằm khuyến khích học sinh và giáo viên tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa của hai nước. Các trường đại học và các tổ chức khác của cả hai nước cũng đã và đang hợp tác để trao đổi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy.

Chẳng hạn như thời gian qua, Viện Nghiên cứu Quốc gia Indonesia (BPPT) đã ký kết hợp tác với Viện Công nghệ đường sắt Nam Kinh và Trung tâm nghiên cứu HTGR (lò phản ứng làm mát bằng khí) của Trung Quốc tại Đại học Thanh Hoa để tìm hiểu về công nghệ phát triển hệ thống tàu nhanh.

Hai nước cũng đã xây dựng một số phòng thí nghiệm chung, bao gồm phòng thí nghiệm của lò phản ứng làm mát bằng khí và công nghệ sinh học; các Trung tâm chuyển giao công nghệ Indonesia-Trung Quốc và các Chương trình trao đổi khoa học.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh tăng cường quan hệ với các đối tác và các tổ chức ngoài quốc doanh. Tháng 9/2018, Cục quản lý Nhà nước về các vấn đề tôn giáo của Trung Quốc đã công khai ý định theo đuổi quan hệ đối tác với Muhammadiyah, một trong những tổ chức Hồi giáo lớn nhất tại Indonesia. Bên cạnh hợp tác này, một số cuộc thảo luận học thuật công khai về vai trò của văn hóa trong quan hệ Trung Quốc-Indonesia cũng thường xuyên được tổ chức.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh giao lưu nhân dân giữa hai nước ngày càng phát triển. Chính sách của Chính phủ Indonesia cho phép miễn thị thực đối với công dân Trung Quốc khi đến Indonesia. Việc này đã góp phần rất lớn trong việc tăng số lượng khách du lịch Trung Quốc đến Indonesia hằng năm.

Năm 2020, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Indonesia tăng 17,58%. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên do Jakarta nỗ lực thu hút thêm nhiều khách du lịch Trung Quốc hơn nữa đến Indonesia. Indonesia và Trung Quốc đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) về phát triển đầu tư du lịch để thu hút 10 triệu khách du lịch từ Trung Quốc mỗi năm. Tuy nhiên, việc này đang bị trì hoãn do đại dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2020.

Phạm vi tiếp cận quyền lực mềm của Trung Quốc đang mở rộng cùng với vị thế kinh tế tại Indonesia. Các "đầu cầu" của Trung Quốc ở Indonesia không bị giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà ngược lại đang bắt đầu mở rộng sang các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân.

Mặc dù có những bước tiến lớn do Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện BRI, nhưng phạm vi tiếp cận đầy đủ hiện tại vẫn còn hạn chế về mặt địa lý. Nguyên nhân là Trung Quốc đang tập trung triển khai các hoạt động tại các thành phố lớn của Indonesia.

Mặt khác, các hoạt động văn hóa được thực hiện xoay quanh việc xã hội hóa các yếu tố văn hóa Trung Quốc hơn là thiết lập một tầm nhìn chung hoặc giải quyết nguồn gốc của tâm lý bài Trung của người dân Indonesia.

Khi so sánh vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng tại châu Phi, các trung tâm văn hóa của Trung Quốc đã được sử dụng để quảng bá cách các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho người dân châu Phi, trong khi ở Indonesia chưa có hoạt động nào tương tự được thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục