Cái giá Israel phải trả khi sáp nhập lãnh thổ Palestine

Cái giá mà Israel sẽ phải trả cho cuộc phiêu lưu của những người Do Thái cực đoan sẽ vượt khỏi sự chịu đựng của xã hội Israel, phá hủy tầm nhìn phục quốc Do Thái và làm gia tăng bất ổn khu vực.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trình bày kế hoạch sát nhập một phần Bờ Tây. (Nguồn AP)
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trình bày kế hoạch sát nhập một phần Bờ Tây. (Nguồn AP)

Tờ Haaretz vừa đăng bài viết có tựa đề "Israel trả giá khi sáp nhập lãnh thổ," trong đó nhận định với việc chính phủ đã được thành lập, đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đang lắng xuống, phớt lờ nội dung chính trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đe dọa từ Liên minh châu Âu (EU), vấn đề sáp nhập lãnh thổ một lần nữa được coi ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới của Israel.

Phần lớn công chúng, những người có thể không biết được tác động thực tế của việc đơn phương sáp nhập lãnh thổ đối với cuộc sống hàng ngày của họ, không nhận thức được những thách thức mà việc sáp nhập lãnh thổ gây ra, trong đó có sự bất ổn gia tăng và gần như chắc chắn cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine sẽ "tăng nhiệt."

[Israel xác nhận Palestine chấm dứt thỏa thuận hợp tác an ninh]

Hơn 60 dự luật và kế hoạch nhằm mục đích sáp nhập lãnh thổ tại khu C đã được trình lên Quốc hội Israel kể từ năm 2016, nhưng chỉ có 3 trong số này có bản đồ đi kèm.

Theo bản đồ được Thủ tướng Benjamin Netanyahu trình lên Quốc hội, ông có ý định sáp nhập 1.200km2, chiếm 20,5% diện tích Bờ Tây. Vậy việc sáp nhập lãnh thổ sẽ ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân như thế nào?

Thứ nhất, 23% diện tích sẽ được sáp nhập, gần 70.000ha, là đất thuộc sở hữu cá nhân của người Palestine. Nếu Israel không sửa đổi luật liên quan đến tài sản của chủ đất "vắng mặt," tất cả những người Palestine này sẽ mất đất của cá nhân họ.

Đất này sẽ từng bước được chuyển cho người định cư Israel. Nếu Israel sửa đổi luật, như nước này đã thực hiện đối với Đông Jerusalem, đất này sẽ có thể được chuyển đổi sang loại "sử dụng công cộng," trở thành đất công của người Do Thái.

Điều này đã xảy ra tại Đông Jerusalem, khi nhà nước Israel đã chuyển đổi khoảng 7.000ha, chủ yếu là thuộc sở hữu của người Arab, và xây dựng trên đất này khoảng 60.000 đơn vị nhà ở cho người Do Thái và chỉ 1.000 đơn vị nhà ở cho người Arab.

Cho đến khi luật về tước quyền sở hữu được thông qua, Israel sẽ phải trao cho các chủ đất người Palestine quyền tiếp cận để họ có thể tiếp tục canh tác trên đất đó như tình trạng đang diễn ra dọc theo "đường nối" giữa Đông và Tây Jerusalem.

Điều này sẽ được thực hiện bằng việc sử dụng hàng chục trạm kiểm soát ra vào; binh lính sẽ được triển khai để kiểm soát các trạm này.

Khi thực hiện phép so sánh, đất thuộc sở hữu riêng của người Palestine tại thung lũng Jordan lớn hơn gấp 7 lần so với tất cả đất đai sở hữu cá nhân nằm ở phía Tây của tường rào phân cách, bức tường phân cách cũng có các trạm kiểm soát ra vào.

Các lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cũng không giỏi hơn khi giải quyết các vấn đề đòi hỏi phải sử dụng những trạm kiểm soát ra vào này mặc dù tất cả các bản khai làm chứng đều được nộp lên Tòa an tối cao. Cuộc chiến của người Palestine về những vùng đất này sẽ bắt đầu.

Thứ hai, bản đồ cho thấy 12 ngôi làng của người Palestine với 13.500 người dân tại khu B sống trên 1.050ha đất. Những vùng đất đai này sẽ được sáp nhập vào Israel. Chính quyền Palestine sẽ mất quyền và trách nhiệm đối với những ngôi làng này và tất cả những quyền được ghi trong các hiệp định Oslo sẽ được người Israel sử dụng.

Israel sẽ phải trao cho những người Palestine này địa vị pháp lý như trao cho người Palestine tại Đông Jerusalem, sau đó là địa vị công dân, đồng nghĩa với việc phải cung cấp tất cả các dịch vụ cho các ngôi làng này.

Israel chưa chuẩn bị cho vấn đề này tại thời điểm hiện nay. Một cuộc chiến khác của người Palestine về các dịch vụ đô thị và chuyển đổi tổ chức bảo hiểm quốc gia sẽ bắt đầu.

Thứ ba, khu vực Jericho (hiện nay nằm ở khu A) và các khu lân cận sẽ trở thành vùng lãnh thổ của Palestine bị bao quanh bởi khu vực thuộc chủ quyền của Israel. Vùng lãnh thổ này sẽ rộng 17.300ha, trong đó có 43.000 người Palestine sinh sống trong 6 cộng đồng khác nhau.

Tất cả các lối ra-vào vùng lãnh thổ này sẽ đòi hỏi phải đi qua các trạm kiểm soát của Israel. Người dân đi xuyên qua lãnh thổ Israel sẽ bị kiểm soát chặt chẽ. Jericho, một trung tâm du lịch và khu vực chính của Bờ Tây về trồng chà là, trên thực tế sẽ bị cắt đứt khỏi phần còn lại của Bờ Tây và sẽ nhanh chóng suy thoái về kinh tế. Cuộc chiến của người Palestine về kế sinh nhai sẽ bắt đầu.

Cái giá Israel phải trả khi sáp nhập lãnh thổ Palestine ảnh 1Đụng độ giữa binh sỹ Israel với người biểu tình Palestine tại Bờ Tây. (Nguồn: AFP)

Thứ tư, sáp nhập sẽ cộng thêm một đường biên giới mới dài 124 dặm giữa thung lũng Jordan và phần còn lại của Bờ Tây. Chiều dài này bằng chiều dài biên giới giữa Israel với Ai Cập.

Đồng thời cộng thêm 37 dặm biên giới xung quanh vùng lãnh thổ Jericho, gần bằng chiều dài biên giới giữa Israel với Dải Gaza. Khi không có tường rào, việc săn đuổi khủng bố và cư dân bất hợp pháp sẽ bắt đầu.

Thêm một điểm nữa là diện tích được sáp nhập nằm trên hai tuyến đường chính nối Bắc-Nam là cao tốc 90 tại thung lũng Jordan và cao tốc 80 (đường Alon), cũng như bao gồm cao tốc Đông-Tây là Đường 1 tại khu rìa phía Đông.

Tất cả các con đường này sẽ được loại khỏi mạng lưới giao thông của Palestine, trong đó, do không có tuyến đường thay thế, người Palestine sẽ buộc phải tập trung đi vào đường cao tốc 60 tại phần rìa phía Tây. Cuộc chiến của người Palestine về tự do đi lại sẽ nổ ra.

Ngoài ra, người dân tại Bờ Tây di chuyển đến Jordan, nếu được Jordan cho phép, sẽ đi qua vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền Israel và do Israel kiểm soát an ninh hoàn toàn.

Bên cạnh đó, Biển Chết, phần dãy núi đá dọc theo bờ và khu bảo tồn thiên nhiên Ein Feshkha sẽ bị loại ra khỏi các khu vực cho người Palestine tiếp cận nhằm mục đích giải trí và du lịch. Cuộc chiến của người Palestine về hưởng thụ không gian tự nhiên cũng bắt đầu.

Gánh nặng đối với IDF sẽ gia tăng đáng kể và không thể biện bạch được. Quân đội sẽ phải bố trí thêm các lực lượng để bảo vệ biên giới và các cửa khẩu giữa thung lũng Jordan và phần còn lại của Bờ Tây, cũng như xung quanh Jericho.

Quân đội phải kiểm soát người Palestine bên trong lãnh thổ Israel, điều hành các trạm kiểm soát nối với các vùng đất canh tác nông nghiệp và bảo vệ biên giới với Jordan vì bất ổn trong quan hệ với Jordan.

Mục đích của những người muốn sáp nhập là rõ ràng. Đó là hủy bỏ các hiệp định Oslo và phá hủy bất kỳ cơ hội nào của giải pháp hai nhà nước cho hai dân tộc, vi phạm luật pháp quốc tế và các hiệp ước Israel đã ký.

Rõ ràng, ý định của những người này là đẩy người Palestine vế phía Đông tới Jordan tại thời điểm mà họ có cơ hội, đồng thời hoàn thành giấc mơ của những người theo chủ nghĩa dân tộc cuồng tín. Theo cách nói của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Naftali Bennett, mục đích là "đưa Judea và Samaria về là một phần thuộc chủ quyền Israel."

Cái giá mà Israel sẽ phải trả trong ngắn hạn cho cuộc phiêu lưu của những người Do Thái cuồng tín sẽ vượt khỏi sự chịu đựng của xã hội Israel.

Về lâu dài, việc sáp nhập sẽ phá hủy tầm nhìn phục quốc Do Thái. Mỹ sẽ mất trụ cột mà nước này ủng hộ trong chính sách Trung Đông là sự ổn định, dựa trên các hiệp định hòa bình Israel đã ký với Ai Cập và Jordan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục