Cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân vùng duyên hải

Hội nghị tổ chức nhằm bàn các giải pháp để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe người dân vùng duyên hải.
Cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân vùng duyên hải ảnh 1Dọn dẹp vệ sinh môi trường. (Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN)

Ngày 30/11, tại thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đồng tổ chức Hội nghị đánh giá tổng thể công tác chuẩn bị thực hiện Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải gồm Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang và Phan Rang - Tháp Chàm.

Hội nghị tổ chức nhằm bàn các giải pháp để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe người dân vùng duyên hải.

[Đảm bảo nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường sau bão lụt]

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang nhấn mạnh ý nghĩa của việc triển khai Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải đối với phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe của các địa phương nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng.

Thời gian qua, mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai nhưng với sự nỗ lực của các tỉnh tham gia Dự án, các Bộ, ngành liên quan, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng triển khai Dự án. 

Ông Nguyễn Xuân Quang cũng mong muốn trong thời tới, Ngân hàng Thế giới, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Nhân dân các tỉnh tham gia dự án tăng cường hơn nữa sự phối hợp, chia sẻ các kinh nghiệm hay trong quá trình thực hiện. Thông qua dự án góp phần vào việc hoàn thành Dự án vê sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh bền vững tại các vùng duyên hải theo yêu cầu đã đề ra.

Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải được triển khai tại 4 thành phố Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang - Tháp Chàm, với tổng nguồn vốn trên 273 triệu USD do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Dự án sẽ được triển khai thực hiện trong 5 năm từ 2017 - 2022, bao gồm các hợp phần chính: Mở rộng các công trình vệ sinh như nhà tiêu hợp vệ sinh; cải thiện kết nối đô thị; đền bù và giải phóng mặt bằng; hỗ trợ thực hiện và cải cách thể chế. Mục tiêu chính của dự án nhằm đầu tư cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nhà tiêu hợp vệ sinh tại vùng nông thôn, vùng khó khăn nhằm nâng cao sức khỏe của người dân.

Thông qua những hoạt động trên góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan đô thị, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe, thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước.

Sau khi Dự án vệ sinh môi trường bền vững các thành phố duyên hải triển khai thành công, sẽ có khoảng 1,1 triệu người đang sinh sống tại các thành phố có dự án được hưởng lợi.

Cải thiện điều kiện vệ sinh cho người dân vùng duyên hải ảnh 2Dọn dẹp vệ sinh, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành và địa phương đã chia sẻ, thảo luận, đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến quá trình triển khai Dự án. Khó khăn mà các địa phương gặp phải trong quá trình triển khai chủ yếu là kế hoạch vốn và giải ngân vốn, công tác đền bù và giải phóng mặt bằng...

Theo đại diện lãnh đạo các tỉnh có dự án, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các địa phương sẽ nỗ lực hơn nữa, khắc phục khó khăn, đề ra các kế hoạch chi tiết, cụ thể, quyết tâm thực hiện Dự án đạt tiến độ đề ra.

Dự án cũng ưu tiên đảm bảo chất lượng các hoạt động đầu tư của Dự án; tổ chức sắp xếp thể chế để quản lý, bàn giao, vận hành tài sản; phấn đấu đến cuối tháng 1/2019, sẽ ký kết các hợp đồng ưu tiên và để triển khai thi công đối với các Tiểu dự án Quy Nhơn, Nha Trang, Đồng Hới. Riêng Tiểu Dự án Phan Rang - Tháp Chàm sẽ ký hợp đồng ưu tiên vào tháng 3/2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục