Cận cảnh xóm… trọc!

Cận cảnh xóm trọ của những người ung thư!

Cư dân xã Tam Hiệp ở Thanh Trì của Hà Nội vẫn gọi thôn Tựu Liệt, nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân ung thư là “xóm trọ trọc đầu.”
Những mái tóc chưa kịp mọc thì đã bị rụng sau nhiều đợt hóa trị liên miên… Lâu nay, cư dân xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) vẫn gọi thôn Tựu Liệt, nơi tập trung rất nhiều bệnh nhân ung thư là “xóm trọ trọc đầu.”

Tựu Liệt như một thế giới thu nhỏ của bệnh nhân ung thư. Nơi đây có những vui buồn, trăn trở và cả những lọc lõi đời thường.

Giáp mặt “cò” nhà trọ

Buổi tối, ở cổng viện K cơ sở 2 chốc chốc lại có người đi ra. Đầu trọc nhẵn, dáng người rã rời lê bước về nhà trọ.

Vừa dừng xe ở cổng bệnh viện, một bà hàng nước đã chào mời đon đả: “Các chú thuê trọ để chữa bệnh hả, 20.000 đồng/giường/ngày, điện nước đủ cả…”

Theo chân bà, trước mặt chúng tôi là một khu nhà cấp bốn, lợp phibrô-ximăng cũ mèm. Trước cửa, những chiếc quần áo cũ phơi phóng lộn xộn. Bên trong từng căn phòng nhỏ, bốn chiếc giường loại 1m chiều rộng kê san sát. Trên, đó nhiều bệnh nhân với cái đầu trụi tóc và người nhà đang nằm nghỉ trưa.

Một người đàn ông niềm nở tiếp chuyện. Ông ta cho hay, mình là chủ của khu nhà trọ này. “Ở đây vừa bảo đảm an ninh, gần bệnh viện, nhà tôi lại có người làm trong bệnh viện nên bệnh nhân có biến cố gì thì nhập viện ngay,” ông nói.

Khi thấy khách tỏ vẻ chê nhà trọ chật hẹp, bà chủ quán nước nguýt dài: “Đã rách lại còn đòi sang. Có tiền thì ra nhà nghỉ máy lạnh mà ở…” Nói rồi, bà ngúng nguẩy đi ra hàng nước, không quên “gửi” lại đằng sau một câu chửi đổng.

Theo quan sát của phóng viên Vietnam+, giới “cò” ở xóm trọ ung thư này đủ cả. Từ xe ôm đến chủ quán nước, hầu như ai cũng “dắt” cho mình dăm ba mối. Một “cò” là xe ôm, nói cứ dắt được một khách, anh ta được trả 5.000 đồng.

Phương pháp “mồi chài” của các cò cũng rất đa dạng, có người nói thẳng giá nhà trọ (thấp nhất ở mức 20.000 đồng/giường/ngày), người khác thì nói, giá 15.000 đồng/người/ngày. Song, khi khách vào nhận phòng, chủ trọ sẽ tính thêm 5.000 đồng tiền điện, nước.

Theo chính quyền địa phương, đôi khi giữa các chủ nhà trọ cũng có xảy ra cãi vã nho nhỏ vì tranh giành khách. Tuy nhiên, việc cãi vã này chưa từng xảy ra xô xát lớn nên chưa ai phải ra tới chính quyền.

Ông Nguyễn Văn Đảng, trưởng thôn Tựu Liệt nói rằng, hiện ở thôn này có hơn 20 gia đình cho bệnh nhân thuê trọ tự phát, số bệnh nhân trọ ngoài bệnh viện mỗi tháng khoảng 500 người (chưa kể người nhà). Việc quản lí tạm trú, tạm vắng được chính quyền nơi đây quy định, cứ 9 giờ tối là các chủ nhà trọ phải ra khai báo.

Những câu chuyện dở khóc, dở cười

Sau khi ngã giá, phóng viên Vietnam+ thuê trọ tại một căn phòng gồm 6 giường bệnh, trong đó đã có tới 3 bệnh nhân bị rụng tóc do truyền hóa chất.

Nói là 6 giường, song, căn phòng này luôn phải chứa 12 người. Đi kèm với mỗi bệnh nhân thường là một người để chăm sóc.

Trong căn phòng nhỏ hẹp ấy, sáu chiếc quạt cây phía đầu sáu chiếc giường hoạt động hết công suất cũng không chống nổi cái nóng hầm hập từ mái phibrô-ximăng, cho dù mấy hôm nay trời Hà Nội đã có phần mát dịu.

Ông Long, một bệnh nhân có thâm niên trọ ở đây đã hơn một năm, bảo rằng, vào mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè thì nóng lắm. Trong mấy đợt nắng nóng đầu hè vừa qua, nhiều người đã phải bỏ ra ngoài sân, dưới bóng cây ngủ, chứ ở trong nhà thì không thể chịu nổi.

Rồi ông kể rằng, có người bạn già cùng chữa bệnh ung thư gan, do không chịu được nắng nóng mà lại không có tiền nên đã bỏ về quê tự chữa trị thuốc nam, phó thác cho số phận.

“Người ta giàu thì ở phòng máy lạnh, chúng tôi cùng cảnh cùng đường, có người còn bán cả mì tôm phát từ thiện để lấy tiền mua thức ăn thì sao ở đó được. Có bệnh, phải chắt chiu từng đồng mà chữa, khổ mấy cũng phải chịu thôi,” ông Long nói.

Ông Út, chủ nhà trọ Hải Âu thì kể rằng, thi thoảng vẫn xảy ra những trường hợp mất điện thoại, đồ dùng cá nhân… khi bệnh nhân hớ hênh. Bởi thế, ông phải treo bên ngoài dãy nhà mình biển cảnh báo tự bảo quản tài sản.

Buồn hơn, ông kể rằng, có bà vợ đi chăm chồng bị bệnh, gặp một người cùng cảnh đi chăm vợ. Rồi một ngày đẹp trời, 2 người cùng biến mất, để lại 2 người bệnh đang nằm bẹp gí ở góc nhà trọ.

Không chỉ thế, việc lừa bệnh nhân ở Tam Hiệp cũng xảy ra khá thường xuyên. Người ta rao bán những loại “thần dược” như tam thất với giá cắt cổ, dùng chiêu bài dụ dỗ để người bệnh mua. “Khi tôi về phòng trọ, thấy những người đồng cảnh bảo thứ thuốc đó không ăn thua, mang ra trả lại thì bị mắng, bán lại cho họ với giá rẻ chỉ bằng 1/5 giá gốc cũng không được,” bệnh nhân này bức xúc./.

Trung Hiền – Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục